Quốc tế

Khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng bất bình đẳng giới

Hà Anh 06/12/2023 08:03

Khủng hoảng khí hậu là vấn đề chung nhưng tác động của nó đến các đối tượng không như nhau và phụ nữ phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

anh-bai-chinh-5-12.jpg
Phụ nữ Pakistan thường xuyên phải làm việc ngoài trời dưới nhiệt độ như thiêu đốt. Nguồn: CNN.

Biến đổi khí hậu đóng vai trò như một hệ số nhân đối với các mối đe dọa, làm trầm trọng các bất công hiện có. Phụ nữ và trẻ em gái vốn đã phải vật lộn với tình trạng bất bình đẳng giới, nhưng khi thời tiết khắc nghiệt tàn phá một cộng đồng, sự bất bình đẳng đó trở nên trầm trọng hơn, theo nhận định của Liên hợp quốc (LHQ).

Khủng hoảng giáo dục trẻ em gái là vấn đề nổi bật ở Nigeria. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 14 tuổi vắng mặt ở các lớp học trên khắp Nigeria. Đối với trẻ em gái, số liệu thống kê thậm chí còn ảm đạm hơn. Ở các bang phía đông bắc và tây bắc, chưa đến một nửa số trẻ em gái được đến trường.

UNICEF cho biết thêm, cuộc khủng hoảng giáo dục này là hậu quả của một loạt các yếu tố, bao gồm nghèo đói, địa lý và phân biệt giới tính. Nhưng đằng sau những yếu tố riêng lẻ này là bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nigeria ngày càng nóng và khô, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ quét, lở đất ngày càng khốc liệt và xảy ra thường xuyên hơn. Thảm họa khí hậu có thể khiến việc tiếp cận trường học trở nên không an toàn. Các cộng đồng đang vật lộn để đối phó với thời tiết khắc nghiệt đôi khi phải nhờ đến con cái giúp đỡ hoặc kiếm thêm tiền hỗ trợ gia đình. Và các bé gái, những người không được đến trường ở một số cộng đồng, thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Có những nỗ lực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em gái và trang bị cho họ các nguồn lực để đối phó với khí hậu đang thay đổi nhanh chóng. Trung tâm Giáo dục bé gái ở thành phố Zaria phía bắc Nigeria đang thực hiện các chương trình giúp các bé gái tiếp tục đến trường và cung cấp các khóa đào tạo về cách đối phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu - đặc biệt là khi nhiệt độ cực cao. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa các đợt nắng nóng và hàng loạt vấn đề sức khỏe bà mẹ, bao gồm sinh non, thai chết lưu và sinh nhẹ cân.

Năm 2022, tại tỉnh Sindh ở phía đông nam Pakistan - một trong những thành phố nóng nhất trên trái đất, diễn ra một đợt nắng nóng cực độ, nhiệt độ lên tới 50 độ C.

Theo một báo cáo được công bố năm nay, những phụ nữ đang mang thai ở Sindh chia sẻ với các nhà nghiên cứu từ Liên minh Ruy băng trắng – tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe bà mẹ - rằng, họ gặp phải vô số vấn đề về sức khỏe, bao gồm ngất xỉu, ốm yếu, chán ăn và mất nước. Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc và thường xuyên ở ngoài trời, ít có thời gian nghỉ ngơi trước nhiệt độ thiêu đốt khiến cơ thể họ càng thêm mệt mỏi. Những phụ nữ này kêu gọi chính phủ và các tổ chức hỗ trợ tài chính, giúp họ có tiền mua pin mặt trời để chạy quạt điện.

Tại Guatemala - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu trên thế giới - mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 5 nay đến muộn hơn nhiều, thường rất dữ dội và có sức tàn phá lớn.

Tác động đối với các cộng đồng nông nghiệp ở Guatemala là rất nặng nề. Mùa màng bị phá hủy và sinh kế suy giảm buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm việc làm ở nơi khác, thậm chí ở các quốc gia khác.

Nhiều phụ nữ ở những cộng đồng này bị hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục, quyền lực tài chính và xã hội, có xu hướng gánh chịu tác động lớn nhất. Đàn ông chiếm phần lớn những người di cư, để lại cho phụ nữ gánh nặng kép: bảo vệ nhà cửa, con cái và tìm cách kiếm tiền cho đến khi đàn ông có thể gửi tiền về nhà.

Mặc dù khó có thể chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa di cư và biến đổi khí hậu ở Guatemala và quyết định di cư luôn dựa trên nhiều yếu tố, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu là một nguyên nhân ngày càng quan trọng.

Các tổ chức phi lợi nhuận như Quỹ Phát triển và Bảo tồn Sinh thái đang cố gắng giảm bớt khó khăn bằng cách đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái ở một số cộng đồng biệt lập của đất nước. Họ đang giúp tài trợ cho giáo dục, đào tạo phương pháp lãnh đạo và dạy phụ nữ những kỹ năng như nông lâm kết hợp.

Bangladesh được coi là “điểm nóng khẩn cấp” về quyền của trẻ em gái, theo tổ chức Save the Children. Bangladesh bị xem là dễ bị tổn thương trước khủng hoảng khí hậu. Khi tác động của thời tiết khắc nghiệt đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói hơn và các gia đình trở nên tuyệt vọng trong việc giảm bớt căng thẳng về tài chính, nguy cơ tảo hôn sẽ gia tăng.

Marufa Khatun, đến từ Satkhira ở phía tây nam Bangladesh, kết hôn năm 11 tuổi vì cha mẹ em không còn khả năng xoay xở sau khi lốc xoáy và lũ lụt tàn phá cộng đồng của họ. Năm nay 14 tuổi, em đã là mẹ của một bé 3 tháng tuổi. “Tôi kết hôn sớm vì thiên tai thường xuyên xảy ra và bố tôi không còn đủ khả năng nuôi chúng tôi” – Khatun nói.

Các chính phủ trên thế giới đã cam kết chấm dứt tảo hôn vào năm 2030. Nhưng một phân tích gần đây của Save the Children cho thấy, gần 9 triệu bé gái trên toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ thảm họa khí hậu và tảo hôn mỗi năm.

Ông Selwin Hart – Trợ lý Tổng Thư ký, cố vấn đặc biệt về Hành động khí hậu và Chuyển đổi công bằng của LHQ - cho biết: “Khi chúng tôi xem xét ai bị ảnh hưởng nặng nề hơn, ai ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, đó chủ yếu là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các nước nghèo dễ bị tổn thương. Nhưng thật không may, các chính sách hoặc chiến lược của chúng ta không thực sự hướng tới việc giải quyết thách thức này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng bất bình đẳng giới