Khủng hoảng di cư còn đang khiến giới lãnh đạo châu Âu đau đầu, thì một cuộc khủng hoảng mới lại đang manh nha khi người ly khai ở Catalonia, Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tách ra độc lập khỏi nước này sau khi giành quyền kiểm soát Quốc hội khu vực, dù Chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ giữ cho đất nước thống nhất.
Phe chủ trương ly khai ở Catalonia ăn mừng
sau chiến thắng trong bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua. (Nguồn: BBC).
Raul Romeva, ứng viên hàng đầu trong danh sách ứng viên ủng hộ độc lập, hôm 29/9 nói rằng liên minh Junts pel Si (Cùng nhau nói chấp thuận) của ông cùng với đảng cánh tả Candidatura d’Unitat Popular (CUP) đã đạt đa số phiếu đủ để hợp pháp hóa các tiến trình hướng tới tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha vào năm 2017.
Trước đó, ông Romeva còn nói với Hãng AFP rằng: “Nếu chính phủ không sẵn sàng đàm phán, chúng tôi sẽ làm nó bằng mọi cách bởi chúng tôi có sự ủy thác”.
Nhưng ở Madrid, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói rằng ông sẽ không thảo luận về “chấm dứt sự thống nhất của Tây Ban Nha”. “Tôi sẵn sàng lắng nghe và nói chuyện, nhưng không phải theo cách trái pháp luật như vậy”- ông Rajoy nói.
Những lãnh đạo mang chủ nghĩa dân tộc ở Catalan đã mô tả cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua tổ chức tại vùng giàu có nhất ở Đông bắc Tây Ban Nha như một cuộc bầu cử ủy thác về vấn đề ly khai, sau khi Thủ tướng Rajoy từ chối cho phép tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập như đã từng diễn ra ở Scotland hồi năm 2014.
Các đảng phái ở Catalan muốn tách khu vực giàu nhất Tây Ban Nha này để thành lập một nhà nước mới ở châu Âu, và họ đã giành được 72 ghế trong tổng số 135 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử diễn ra hôm Chủ nhật vừa qua. Tuy nhiên số phiếu bầu chiếm chỉ 48%, cho thấy đa phần người dân xứ Catalan vẫn muốn là một phần của Tây Ban Nha.
Nhiều người lo ngại rằng kết quả bầu cử vừa qua sẽ trở thành một động lực thúc đẩy các phong trào ly khai xuất hiện trên khắp châu Âu và nhận được sự quan ngại của nhiều nước láng giềng như Pháp, Đức, Anh và kể cả Mỹ - những nước đang ra sức thuyết phục Tây Ban Nha giữ vững vị thế là một nước thống nhất.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls, người từng sinh ra ở Barcelona (thủ phủ của Catalonia) và sau đó trở thành công dân Pháp, đã kêu gọi Tây Ban Nha duy trì “sự thống nhất và mạnh mẽ”. “Chia rẽ, chia cắt, tan rã của một quốc gia sẽ chả mang đến điều gì tốt đẹp dù là đối với Tây Ban Nha hay toàn châu Âu. Và điều này phụ thuộc vào quyết định của người dân Tây Ban Nha” - ông Valls nói.
Hồi năm ngoái, một cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra độc lập cũng từng diễn ra ở Scotland nhưng đại đa số cử tri đều nói “không” với việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK). Tuy nhiên, cuộc trưng cầu đó lại trở thành một động lực thúc đẩy phong trào tách ra độc lập ở Catalonia.
Liên minh ly khai dẫn đầu bởi Artur Mas hiện đang phải đối mặt với các vòng đàm phán khó khăn nhằm đạt được một thỏa thuận với Đảng CUP – đảng vốn không muốn ông Mas lãnh đạo phong trào ly khai. Trong hôm đầu tuần, CUP nói rằng họ đang mở một số cuộc họp với các đảng phái ở Quốc hội địa phương để đạt được một thỏa thuận.
Hiện nay nhiều chính trị gia đối lập và cả báo chí địa phương cũng bị chia rẽ về việc liệu kết quả bầu cử vừa qua có góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng của những người chủ trương ly khai hay không. Liên minh Junts pel Si và Đảng CUP khẳng định rằng cuộc bầu cử đã cho họ sự ủy thác được độc lập. Tuy nhiên, Thủ tướng Rajoy nói rằng họ đã thất bại vì không giành được trên 50% số phiếu bầu, điều này cho thấy họ không nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân.
Nhiều nhà quan sát châu Âu cũng đồng tình rằng cuộc bỏ phiếu ở Tây Ban Nha đang để lại sau nó một tình hình hết sức phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh nước này sắp tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12 tới. Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại trường hợp Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng mới ở châu Âu do phong trào ly khai trỗi dậy.