Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay khi chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi phải trang bị các kỹ năng số cho công dân.
Khung năng lực số cho người học có thể hiểu là một hệ thống mô tả các kỹ năng, kiến thức cần thiết của người học để sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả trong học tập, công việc, cuộc sống và xác định mức độ thành thạo về công nghệ số cũng như khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa.
Cụ thể, khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia. Bao gồm khai thác dữ liệu và thông tin, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, sáng tạo nội dung số, an toàn, giải quyết vấn đề, sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Với quy định cụ thể về khung năng lực số chính giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số thuận lợi, giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa và là nền tảng cho việc học tập suốt đời.
Đồng thời bảo đảm tất cả người học đều có cơ hội tiếp cận và phát triển các năng lực số, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ. Bảo đảm hệ thống giáo dục đáp ứng được nhu cầu của thời đại số, đồng thời giúp người học phát triển toàn diện, bền vững.
Trên thực tế, hiện nay Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam ban hành Khung năng lực số cho sinh viên. GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, thông qua đó thu được những kết quả tích cực trong việc cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin của người học, cũng như thúc đẩy tư duy sáng tạo và tinh thần hợp tác trong môi trường số.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia TPHCM đang xây dựng khung năng lực số cho giảng viên trong hệ thống. Phía trường đề xuất cần có hướng dẫn chi tiết sau khi ban hành thông tư để các đơn vị thực hiện hiệu quả; thống nhất, cụ thể từng đối tượng, trình độ trên toàn quốc; phương pháp tích hợp vào từng môn học như thế nào.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều địa phương bởi mỗi cấp học có những đặc thù khác nhau, cần có hướng dẫn chi tiết để thống nhất sẽ học gì, theo miền nào, trình độ nào để các sinh viên khi đến từ các địa phương khác nhau sẽ không có sự chênh lệch nhiều trong tiếp cận, trường ĐH không phải dạy lại.
Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ ra, hiện nay chúng ta vẫn đang sử dụng các kỹ năng số, nhưng lại không hiểu hết được những tính năng, ưu điểm, hạn chế của từng nền tảng. Vì vậy, cần thiết phải ban hành một Thông tư về Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những nội dung này nên tích hợp vào các môn học tại nhà trường như thế nào hay sẽ dạy riêng thành một môn hoàn toàn mới? Thời gian tới Bộ GDĐT cần sớm có rà soát trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và có sự sắp xếp lại để phù hợp khi đưa khung năng lực số vào triển khai.
Liên quan đến vấn đề này, PGSTS Đỗ Văn Hùng – Trưởng khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên tham gia soạn thảo dự thảo Thông tư cho biết khung năng lực số mới là cái khung chung, những bậc học, cơ sở đào tạo, địa phương phải hết sức chủ động trong việc dựa trên khung này để phát triển cụ thể và phù hợp. Việc làm thế nào để tích hợp năng lực số vào trong chương trình đào tạo có sẵn để mà không phát sinh thêm thời gian đào tạo mà vẫn có thể đạt được mục tiêu, đây là cả một vấn đề đối với các cơ sở đào tạo, những người lãnh đạo, giáo viên, giảng viên. Bên cạnh đó, cần tính toán việc thực hiện ở khối phổ thông, với các học sinh ở các vùng khác nhau như thế nào cũng như nghiên cứu lộ trình phù hợp để triển khai.