Giáo dục

Cần kiểm soát lộ trình nâng cấp trường đại học

Thu Hương 24/02/2024 14:01

Việc đào tạo đa dạng các ngành và lĩnh vực sẽ cung cấp cơ hội cho sinh viên (SV) học nhiều lĩnh vực, phát triển nhiều kỹ năng khác nhau, tạo ra nguồn nhân lực đa màu, đa năng, linh hoạt, và có khả năng thích ứng tốt với sự biến động của thị trường lao động.

anhbaitren.jpg
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong giờ học thực hành. Ảnh: HaUI.

Chiến lược dài hơi, lộ trình cụ thể

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương cho biết, trường đặt mục tiêu trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cung cấp các sản phẩm xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế cao trong khu vực châu Á.

Nhìn nhận việc nâng cấp mô hình quản trị từ trường ĐH đơn ngành, đơn lĩnh vực thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực là sự phát triển tất yếu và phù hợp với thực tiễn ở cả Việt Nam và trên thế giới, ông Tuấn cho rằng, thế mạnh truyền thống của nhà trường là các ngành Kinh tế, Quản lý và Kinh doanh, đặc biệt là Kinh tế đối ngoại và Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây chính là cơ sở thuận lợi để nhà trường tạo đà phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu này, nhà trường cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chú trọng phát triển các nguồn lực quốc tế, cụ thể có thể kể đến mở rộng phạm vi hợp tác với các đối tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời, tăng cường hợp tác với nhiều trường ĐH, tổ chức nghề nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp để xây dựng và phát triển nhiều chương trình đào tạo cho SV, giúp các em tiếp cận và áp dụng được kiến thức vào thực tế, tăng cường trải nghiệm và tiếp xúc với những xu hướng cập nhật của thị trường, tăng cường khả năng thích nghi, khả năng đổi mới và sáng tạo.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đặt mục tiêu chuyển thành ĐH vào năm 2025. Từ tháng 12/2021, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ và Khoa Du lịch. Tháng 8/2023, Trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển khoa Cơ khí và khoa Công nghệ ô tô. Dự kiến trong năm 2024 - 2025 sẽ thành lập thêm 3 trường là Trường Điện - Điện tử, Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông.

TS Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của nhà trường là tái cấu trúc các khoa sẵn có chứ không phải là tăng quy mô. “Theo yêu cầu phát triển thực tiễn, việc nâng cấp từ trường ĐH lên thành ĐH sẽ là cơ hội để nhà trường đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn hơn bộ máy quản lý, tập trung” - ông Thực cho biết.

Cũng đặt mục tiêu chuyển thành ĐH trong năm 2025, Hiệu trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thành lập 3 trường trực thuộc gồm: ĐH Kinh doanh, Kinh tế và Công nghệ, trong đó sẽ chú trọng đào tạo các ngành kinh tế với đầu ra chủ yếu là các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Cơ sở thành lập của các trường này là từ các khoa, ngành vốn là thế mạnh truyền thống của nhà trường cũng như những ngành đang có sức thu hút mạnh mẽ đối với SV như Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số, khoa Toán kinh tế và khoa Thống kê.

Kiểm soát chặt chẽ

Trước thông tin hàng loạt trường ĐH đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để lên ĐH, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, nhìn vào lộ trình thực hiện mà các trường đang đặt ra và đang triển khai cho thấy, quyết tâm nâng hạng của các cơ sở giáo dục ĐH. Điều này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế khi đào tạo không phải là đơn ngành mà đều là đa ngành, giúp người học có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Tuy nhiên, bài toán nâng chất lượng đào tạo ĐH lại không nằm ở tên gọi là trường ĐH hay ĐH mà là câu chuyện đổi mới phương pháp, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo tiệm cận với những đòi hỏi của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Để làm được điều đó, theo ông Khuyến, các cơ sở giáo dục ĐH cần có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để mỗi bài học gắn liền với cuộc sống, với yêu cầu đặt ra của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, cần chú trọng hợp tác với các cơ sở đào tạo quốc tế và trong nước để tăng cường trải nghiệm cho SV.

Hiện nhiều trường ĐH cùng lĩnh vực đã ký kết thỏa thuận hợp tác trao đổi SV giữa các học kỳ song đến nay, việc triển khai mới dừng lại ở trên… giấy là chính còn trên thực tế vẫn chưa có nhiều SV tham gia. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, tạo điều kiện khuyến khích SV hiểu, khơi dậy mong muốn của các em và gia đình, các cơ sở giáo dục ĐH cũng cần đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng và có bộ phận tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho những SV có nguyện vọng tham gia.

Không thể ồ ạt lên ĐH là ý kiến của nhiều chuyên gia trước thông tin nhiều trường đặt lộ trình lên ĐH trong thời gian tới. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các điều kiện để thành lập ĐH như quy định phải có 10 ngành đào tạo tiến sĩ mới thành ĐH còn cần sự vào cuộc, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và xã hội để việc thay tên đổi họ của các trường cũng đồng nghĩa với việc thay đổi chất lượng đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần kiểm soát lộ trình nâng cấp trường đại học