Sự bùng nổ của kinh doanh số hay còn gọi là thời kinh tế internet có thể sẽ gây xáo trộn, phá vỡ các thị trường kinh doanh truyền thống đã được xác lập ở Việt Nam.
Vấn đề là các cơ quan quản lý dường như lúng túng trong việc xây dựng một khung pháp lý điều chỉnh phù hợp, đôi khi áp dụng cả các quy định không còn phù hợp, có thể dẫn đến cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn mù mờ khung pháp lý kinh doanh trên internet.
Băn khoăn khung pháp lý đối với trào lưu kinh doanh trên internet, ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH thương mại đầu tư Thành Thái Gia đưa ra vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang quan tâm là việc đánh thuế đối với thương mại điện tử.
Nếu những mặt hàng đã đóng thuế giá trị gia tăng, đã mua đi bán lại và chỉ bán hàng trên mạng thôi thì việc đánh thuế có phù hợp không?
Đây cũng chính là băn khoăn chung của nhiều DN Việt, nhất là các DN nhỏ, khi họ không còn lựa chọn nào khác ngoài kiểu kinh doanh truyền thống là phải hướng đến xu hướng kinh doanh qua mạng internet, nhưng vẫn còn mù mờ với khung pháp lý.
Thông tin đưa ra tại hội thảo về kinh doanh số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa được tổ chức ở TP HCM cho thấy nền kinh tế internet của Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á dự kiến có tổng giá trị khoảng trên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Trong đó, đóng góp nhiều nhất là lĩnh vực thương mại điện tử (với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép - CAGR vào khoảng 32%), kế đến là truyền thông online (18% CARG) và du lịch online (15% CAGR).
Câu hỏi đặt ra là khung pháp lý mới cho hình thức kinh doanh mới này ở Việt Nam là gì? Bởi thực tế, do tính đổi mới, sáng tạo vượt bậc của các mô hình kinh doanh qua mạng nên cơ quan quản lý gặp nhiều vấn đề trong việc xây dựng một khung pháp lý điều chỉnh phù hợp.
Về việc này, cũng theo vị lãnh đạo của VCCI, vấn đề là làm thế nào để xây dựng và phát triển các quy định pháp lý phù hợp cho phép đẩy mạnh phúc lợi của người tiêu dùng, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các DN trên thị trường, đồng thời kích thích sáng tạo và phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc R&D thuộc Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho rằng: Thực chất của nền kinh tế số, kinh tế internet của Việt Nam chính là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đòi hỏi khung pháp lý phải đầy đủ, minh bạch, chẳng hạn như chống hàng gian hàng giả khi buôn bán qua mạng một cách triệt để.
Về vấn đề đánh thuế đối với việc buôn bán trên mạng internet, ông Dũng cho rằng việc trước sau gì cũng phải làm, bởi vì đây là một môi trường kinh doanh cần sự công bằng.
Nếu không đánh thuế thì những người kinh doanh truyền thống (phải thuê mướn mặt bằng với nhiều chi phí và nộp thuế công khai) sẽ chịu nhiều thiệt thòi so với những người kinh doanh trên mạng thông qua facebook, zalo hay các mobile app hoặc trang web bán hàng nào đó.
“Hãy tưởng tượng chuyện kinh doanh qua mạng mà thiếu đi các khung pháp lý cần thiết thì chẳng khác gì chuyện buôn bán tràn lan trên vỉa hè. Có những trường hợp kinh doanh thương mại điện tử với số lượng xuất nhập hàng rất lớn có thể lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng tại sao vẫn không đóng đồng thuế nào? Cho nên, tuỳ theo mức độ doanh số, lợi nhuận của loại hình kinh doanh qua mạng mà cơ quan quản lý cần áp dụng hợp lý và công bằng” - ông Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.