Khuyến khích bỏ kinh doanh gia cầm sống

Minh Phương 12/01/2017 08:35

Theo dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam lần 1 về chợ kinh doanh thực phẩm đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, đáng chú ý có quy định về việc không bán gia súc, gia cầm sống tại chợ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu việc kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm sống được “dẹp” hẳn, thì chắc chắn cảnh quan đô thị sẽ văn minh hơn. Song, với thói quen tiêu dùng nên điều này là rất khó.

Với thói quen tiêu dùng hiện nay “dẹp” kinh doanh gia súc,
gia cầm sống ở chợ truyền thống là rất khó. (Ảnh: VNN).

Hợp lý, song khó khả thi

Cụ thể, theo dự thảo, tiêu chuẩn trên được áp dụng cho chợ nằm trong quy hoạch (trừ chợ nổi trên sông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo cũng giải thích chợ kinh doanh thực phẩm là chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, trong đó số cơ sở kinh doanh thực phẩm chiếm từ 50% tổng số cơ sở kinh doanh cố định tại chợ trở lên.

Tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chí đánh giá về chợ kinh doanh thực phẩm để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tại chợ.

Ngoài ra, dự thảo cũng có các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh môi trường. Yêu cầu về kết cấu của chợ, dự thảo quy định: Chợ kinh doanh thực phẩm phải được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo đảm thời gian sử dụng tối thiểu là 5 năm.

Ngoài ra, chợ không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác…Dự thảo của Bộ Công thương cũng đưa ra yêu cầu đối với chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ. Theo đó, chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm thực phẩm phải được khám sức khỏe, được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định…

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu việc giết mổ gia súc, gia cầm được đưa vào khuôn khổ, không “mạnh ai nấy làm” như hiện nay, thì môi trường sẽ sạch đẹp hơn, các khu chợ dân sinh cũng sẽ đỡ nhếch nhác. Đặc biệt, nếu không còn tình trạng giết mổ gia súc gia cầm bừa bãi, sẽ giảm thiểu các nguy cơ gây dịch bệnh – một trong những rủi ro luôn tiềm ẩn, túc trực có thể xảy ra bất cứ khi nào, bởi những khu vực giết mổ gia súc gia cầm là nơi “hấp dẫn” nhất đối với các loại sinh vật có hại như ruồi, muỗi, chuột bọ… và có thể tạo ra những ổ dịch gây hậu quả khôn lường. Điều này cũng đồng nghĩa, các khu chợ dân sinh sẽ đi vào hoạt động nề nếp hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, mặc dù quy định này mang lại nhiều cái lợi cho môi trường sống, song lại rất khó khả thi. Bởi, từ lâu, thói quen mua sắm, sử dụng thịt tươi sống đã ăn sâu vào nếp sống của mỗi người dân Việt Nam.

Bán gia cầm giết mổ tại chợ truyền thống.

Không cấm, chỉ khuyến khích

Được biết, “ý tưởng” cấm kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm sống đã được đưa ra từ 10 năm trước, song không thực hiện được, nguyên nhân là cũng từ việc khó có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thu Hằng, một người dân ở phố Lê Văn Lương, Hà Nội cũng cho rằng, nếu cấm được thì đường phố, các khu chợ dân sinh sẽ rất sạch sẽ, văn minh. Tuy nhiên, bản thân chị Hằng cũng thừa nhận rằng, mặc dù có nhiều ưu điểm song sẽ rất khó nếu người tiêu dùng Việt Nam phải thay đổi thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán – chị Hằng bày tỏ.

Theo giới chuyên gia trong ngành, nhiều quy định trong dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam của Bộ Công thương đưa ra cũng sẽ rất có lợi cho môi trường cũng như sức khỏe của người dân, chẳng hạn như các quy định yêu cầu về giấy khám sức khỏe đối với người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ song cần phải có thêm thời gian để dần thay đổi thói quen của người dân chứ không nên coi đó là một công cụ chính sách cấm đoán.

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đây mới chỉ là dự thảo của Bộ Công thương và trên tinh thần khuyến khích thực hiện chứ không phải là bắt buộc, không cấm đoán.

Theo bà Nga, tiêu chuẩn ở đây chỉ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, áp dụng thực hiện chứ không phải quy chuẩn quốc gia là buộc phải áp dụng, nên không có chuyện cấm. Do đó bà Nga khuyến cáo, dư luận xã hội không nên quá hoang mang. Theo bà Lê Việt Nga, dự thảo cũng đã lấy ý kiến của các sở Công thương, các Hiệp hội, ngành hàng và cơ bản các tổ chức đều thấy hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuyến khích bỏ kinh doanh gia cầm sống