Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia.
Điện mặt trời- hướng phát triển năng lượng mới.
Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng GDP trung bình khoảng 7% giai đoạn 2016-2030, hệ thống nguồn điện (Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đến năm năm 2020 phải đạt 60.000 MW, đến năm 2025 khoảng 96.500 MW và đến 2030 gần 130.000 MW.Tuy nhiên đến nay, hệ thống nguồn điện của Việt Nam mới đạt khoảng 49.000 MW trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam. Đây là một thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhu cầu điện tại Việt Nam tăng mạnh. Nhiều dự báo được đưa ra đến năm 2030, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Từ nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là cấp thiết.
Được biết, hiện khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các chương trình về năng lượng song sự tham gia của khu vực này dưới hình thức PPP đang gặp phải một số khó khăn về cơ chế.
Trong cuộc làm việc mới đây của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng lĩnh vực năng lượng là vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam. Thời gian quan, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và trực tiếp là EVN và PVN tham gia vào các dự án đầu tư về năng lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những giải pháp nhằm khuyến khích phát triển về điện mặt trời, điện gió...và đã có một số dự án được triển khai sản xuất và được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ về đất đai, thuê mặt nước, hỗ trợ giá mua điện...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho rằng, những giải pháp về nguồn lực tài chính hiện chưa đủ mạnh để đáp ứng nguồn vốn cho sản xuất điện. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ mong muốn có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa để tạo nguồn lực thu hút công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Trong đó, sẽ phát triển thị trường vốn mà chủ trương là cổ phần hóa các nhà máy điện để có thêm nguồn lực tài chính và đổi mới quản trị doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu DN nhằm huy động các nguồn vốn. Bởi hiện nay, thị trường trái phiếu DN chưa thực sự phát triển, đã có một số DN phát hành trái phiếu nhưng còn riêng lẻ, quy mô không lớn và kỳ hạn ngắn. Vì vậy, cần sẽ tiếp tục phát triển thị trường này với quy mô lớn và kỳ hạn dài hơn, đảm bảo độ tín nhiệm cao nhằm tạo sự an toàn cho thị trường trái phiếu.
“Việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh là hướng đi tích cực, tạo động lực cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường phát điện. Trên cơ sở đó sẽ hình thành giá phát điện cạnh tranh. Qua đó sẽ thúc đẩy thị trường công khai, minh bạch”- Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.