Khái niệm kinh tế trang trại tới nay đã quen thuộc, tuy nhiên không phải nơi nào cũng làm được, dù rằng đó là con đường thoát nghèo hiệu quả. Trong khi, phát triển kinh tế trang trại cũng là để tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nuôi gà theo lối kinh tế trang trại.
Năm 2020 này, huyện Châu Thành (An Giang) tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Muốn làm được điều đó, tỉnh khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, nhằm tạo bước chuyển biến tích cực về năng suất, giá trị sản lượng gắn với thị trường tiêu thụ và điều kiện tự nhiên của từng địa phương.
Được biết, đến nay, toàn huyện Châu Thành đã có 42 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí kinh tế trang trại, gồm: 30 trang trại trồng trọt, 5 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại thủy sản và 2 trang trại đa canh…
Tương tự, tại Nghệ An, kinh tế trang trại đang được hưởng ứng mạnh mẽ. Người dân đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia trại, trang trại theo hướng hàng hóa. Có thể kể đến trường hợp của anh Ngô Trí Long (xã Nghi Kim, thành phố Vinh), khi anh xác định phải làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Năm 2014, anh Long đã thầu 10ha đất để chuyển sang làm kinh tế gia trại. Mô hình kinh tế gia trại của anh kết hợp nuôi gà, vịt, lợn và nuôi trồng thủy sản, trong đó: anh thiết kế gần 1 ha để xây dựng khu chăn nuôi , diện tích còn lại là nuôi trồng thủy sản. Kể từ đó tới nay, sản xuất chăn nuôi ngày càng phát triển, thu nhập cao. Kết quả với 10 ha đất, trong đó 1 ha xây dựng khu chăn nuôi với 13.000 con gà, 300 con vịt, 300 con lợn diện tích còn lại là nuôi cá mè, trôi, trắm, chép với khoảng 50 tấn cá thu hoạch mỗi năm. Khi chăn nuôi gà vịt, lợn gặp khó khăn về dịch bệnh, anh đã quyết định chuyển sang đầu tư để nuôi 100.000 con chim cút. Chim cút ở trang trại của anh được nuôi theo quy mô công nghiệp, toàn bộ hệ thống chuồng trại đều làm bằng sắt. Mỗi chuồng có diện tích 1m2 có thể nuôi được 120 con chim cút. Mỗi ngày trang trại của anh cung cấp cho thị trường trên 100.000 quả trứng chim cút. Doanh thu từ việc nuôi chim cút và các sản phẩm nông sản khác ước tính mỗi năm đạt gần 5 tỷ đồng.
Cũng có thể kể đến trường hợp trang trại Ngọc Hạnh (ở bản Búa, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), khi chủ trang trại chuyển sang trồng 500 gốc cây bưởi Diễn, 300 gốc cây bưởi da xanh. Từ vườn bưởi, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 100 triệu đồng, các cây ăn trái khác như ổi, nhãn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Kết hợp với vườn cây ăn trái, gia đình phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình vào khoảng 500 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình trang trại tuy không lớn, nhưng phát triển khá ổn định.
Hay như vợ chồng anh Lò Khánh Thủy và chị Lò Thị Xuân (ở tiểu khu Chờ Lồng, thị trấn Nông trường Mộc Châu), với hơn 3 ha đất, gồm đất đồi núi, đất gò thấp và đất trũng, gia đình đã đưa những loại cây trồng, vật nuôi thích hợp để phát triển sản xuất. Tận dụng sườn đồi, chủ hộ đã trồng khoảng 1.000 m2 cây chè. Khu vực cao hơn dành để trồng mận. Cây mận mỗi năm cho thu hoạch một lần nhưng mang lại doanh thu cao và ổn định. Khu vực thấp hơn, gia đình trồng hơn 200 gốc cam quýt, dưới ruộng trồng cây chịu nước. Sau khi thu hoạch, đất bùn ở ruộng được nạo vét để bón cho cây trồng trên gò cao. Nơi thấp trũng thì đào ao thả cá. Anh Thủy cho biết, gia đình luôn tìm hiểu thị trường để thay đổi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Với khu vườn trồng các loại cây lâu năm, trang trại đầu tư theo hướng xen canh, gối vụ các loại cây ăn trái ngắn ngày để tạo nguồn vốn quay vòng. Hằng năm gia đình có thu nhập hơn một tỷ đồng từ trang trại.
Đó là 3 trong số rất nhiều tấm gương làm kinh tế trang trại, vừa đem lại lợi ích cho gia đình lại giúp người dân trong vùng thêm công việc từ việc làm. Một cách cùng nhau thoát nghèo bền vững.