Kĩ năng đọc của học sinh tiểu học: Đang dần cải thiện

Phương Linh 11/01/2016 23:51

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo tổng kết 2 đợt đánh giá kĩ năng đọc của học sinh (HS) đầu cấp tiểu học, do Bộ GD&ĐT tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/1, tại Hà Nội.

Khả năng đọc và hiểu những văn bản đơn giản là một trong những kĩ năng cơ bản nhất mà một đứa trẻ có thể học được ở nhà trường. Các kết quả nghiên cứu gần đây ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng có tình trạng nhiều trẻ em sau 5 năm ngồi trên ghế nhà trường vẫn không có khả năng đọc và hiểu những văn bản đơn giản nhất. Và thường những em không biết viết không có khả năng biết đọc biết viết trong vài năm đầu đi học sẽ có xu hướng phải ngồi lại lớp và dễ dàng bỏ học sau đó.

Theo đơn đặt hàng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Ngân hàng Thế giới, năm 2006, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc tế đã phát triển bộ công cụ đánh giá kĩ năng đọc đầu cấp (EGRA) tiến hành thử nghiệm ở một số nước vào 2007 và công bố chính thức vào năm 2009.

Tại Việt Nam cũng đã tổ chức thành công 2 đợt đánh giá EGRA trong năm 2013 và 2014 với tổng số 3.357 HS các lớp 1, 2, 3 của 112 trường tiểu học thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lại, Vĩnh Long.

Ông Trần Đình Thuận- Giám đốc Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) cho biết: Bộ công cụ khảo sát được thiết kế gồm 3 phần: Bộ công cụ EGRA (để đánh giá các kĩ năng đọc ban đầu của HS); bảng hỏi HS (dùng để phỏng vấn HS nhằm thu thập các thông tin về cá nhân và gia đình); bảng hỏi giáo viên (dành cho giáo viên dạy các khối lớp có HS tham gia khảo sát tự trả lời nhằm thu thập các thông tin liên quan đến giáo viên và nhà trường).

Công cụ EGRA của các lớp 2, 3 đều gồm các phần: Xác định âm đầu của tiếng, đọc các âm của chữ, đọc tên chữ cái, đọc quen tiếng, đọc tiếng tự tạo, đọc thành tiếng, đọc hiểu, nghe hiểu, nghe viết (chính tả). Bộ công cụ EGRA cho lớp 1 cũng có các phần tương tự, trừ phần đọc tên chữ cái.

“Đây được cho là cách đánh giá mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”- ông Trần Đình Thuận nhận định.

Dù hai đợt khảo sát được tiến hành với số lượng HS không lớn nhưng nhờ thực hiện nguyên tắc chọn mẫu đáng tin cậy, được chuyên gia quốc tế công nhận đã bước đầu cho thấy sự tiến bộ trong kĩ năng đọc của HS các lớp 1, 2, 3. Đồng thời nhận biết một số nhân tố chi phối sự phát triển các kĩ năng đọc ban đầu của HS đầu cấp tiểu học Việt Nam. So với kết quả đánh giá EGRA của các nước khác trên thế giới, HS Việt Nam có tỷ lệ phải “dừng sớm”, đồng nghĩa với việc chưa có kĩ năng đọc rất thấp.

Kết quả đưa ra, đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng của HS cao hơn so với chuẩn kiến thức, kĩ năng của Bộ GD&ĐT đề ra cho mỗi lớp. Tuy nhiên, kết quả các phần đọc hiểu, nghe hiểu và nghe - viết (chính tả) vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt đối với HS lớp 1.

So sánh kết quả đọc của HS ở các lớp 1, 2, 3 cho thấy: Nhìn chung, HS có tiến bộ đều về tất cả các kĩ năng đọc (trừ kĩ năng xác định âm đầu của tiếng), nhưng mức độ tiến bộ ít nhiều không đều ở các kĩ năng khác nhau. Hai kĩ năng tỏ ra khó đối với HS là kĩ năng đọc tên chữ cái và kĩ năng đọc tiếng tự tạo, chứng tỏ HS còn chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm bằng chữ viết và kĩ năng giải mã tiếng - từ.

Các nhân tố chi phối sự phát triển kĩ năng đọc ban đầu của HS đầu cấp tiểu học cũng được chỉ ra gồm trường học, gia đình và HS, giáo viên và môi trường dạy học. Trong đó, cũng nhấn mạnh đến vai trò của người trợ giảng tiếng dân tộc. Những người này có vai trò tích cực trong việc giúp HS phát triển các kĩ năng đọc ban đầu.

Thêm vào đó, trong các lớp học đa dân tộc, giáo viên sử dụng đồng thời cả tiếng Việt và tiếng dân tộc có thể giúp kết quả đọc của HS tốt hơn. Sự đầu tư và quan tâm của gia đình có tác động tích cực đến kết quả đọc. Phương pháp giảng dạy, đánh giá kĩ năng đọc hay thái độ của giáo viên, chương trình đào tạo và các khóa tập huấn chuyên môn… cũng có liên quan đến kết quả đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kĩ năng đọc của học sinh tiểu học: Đang dần cải thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO