Lãi suất huy động liên tục giảm, lãi suất cho vay cũng có dấu hiệu hạ. Nhưng kích tín dụng như thế nào trong bối cảnh rất ít doanh nghiệp mặn mà vay vốn? Đó là câu hỏi khó.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay liên tiếp giảm
Thời gian gần đây, lãi suất huy động liên tục giảm. Cùng với đó, ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh thanh khoản dư thừa. Trong khi đó theo số liệu mới nhất, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/6 chỉ là 3,26%, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 7%. Như vậy có thể thấy, tín dụng đang bị tắc nghẽn.
Trong khi đó khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hơn một nửa ngân hàng tham gia đánh giá mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong quý 3 và cả năm 2020. Nhận định của các ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng thấp và dự kiến chỉ tăng 3,5% trong quý III. Đến hết năm 2020, dự đoán tăng trưởng tín dụng khoảng 10,5% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 14% đề ra đầu năm.
Vậy làm sao để kích tín dụng? Theo nhìn nhận của ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, tín dụng không chỉ nằm ở lãi suất nữa mà nằm chính ở sức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, nếu không có kế hoạch phát triển thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính doanh nghiệp và gây ảnh hưởng đến ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải cân nhắc các rủi ro khi giãn nợ.
Kể về nỗi khổ của doanh nghiệp bà Lưu Thị Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty giống vật tư công nghệ cao Việt Nam nói: “Các DN nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ hoạt động thử nghiệm giống tại 40 địa phương bị trễ nên ảnh hưởng năng suất. Mưa, giông lốc khiến 2/3 diện tích tại các điểm sản xuất ở miền Trung mất trắng”, bà Lan xác định, ảnh hưởng của dịch Covid còn dài nên mong muốn ngân hàng kéo dài các chính sách hỗ trợ và giảm thêm lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng
Được biết, hiện nay NHNN đã nới room tín dụng cho một số nhà băng để bơm vốn ra nền kinh tế. Tuy nhiên, để nền kinh tế hấp thụ được nguồn vốn hay không lại là một câu chuyện khác. Vì ảnh hưởng của dịch Covid 19, thị trường xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Doanh nghiệp xuất khẩu mất nhiều thị trường, trực tiếp ảnh hưởng tới khâu sản xuất. Doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, phát triển, phải co cụm lại để tồn tại. Chưa kể, các thông tin về dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, điều này làm cho doanh nghiệp càng khốn khổ hơn.
Còn ở phần cho vay tiêu dùng cá nhân, trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra khiến chi tiêu của người dân sụt giảm, nhu cầu vay tiêu dùng cũng giảm tương ứng. Chi tiêu của hộ gia đình trong nửa đầu năm được ghi nhận sụt giảm khoảng 15%.
Vì vậy, để “kích” tín dụng, ngân hàng phải hướng mạnh vào các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt các lĩnh vực như: Thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu… Sau đó, tùy mức độ mở cửa thị trường để tiếp cận phân khúc khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đánh giá, cầu vốn của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ khó tăng so với mọi năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động hoàn toàn. Vì thế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ giảm xuống và trên thực tế tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
“Ðó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận để có chính sách điều hành phù hợp hơn, thay vì cố gắng “bơm” vốn ra nền kinh tế, kể cả vốn giá rẻ cũng chưa chắc đã đưa được vào sản xuất, kinh doanh. Bởi để sản xuất thì doanh nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn phải có thị trường. Nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết thì sẽ gây nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô sau này”, ông Thành nói.
Từ phía cơ quan điều hành, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.