Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Bước đầu một số chuyên gia bày tỏ ủng hộ những quy định theo dự thảo mới với các tiêu chuẩn, tiêu chí cập nhật.
Đây là dự thảo sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT đã được ban hành từ năm 2017. Theo đó, dự thảo đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí.
Cần thiết xây dựng bộ tiêu chuẩn mới
Theo Bộ GDĐT, tính đến ngày 31/10/2021, Việt Nam có 164 cơ sở giáo dục ĐH và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và 7 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài. Như vậy, vẫn còn gần 80 trường ĐH và nhiều trường cao đẳng vẫn chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, từ năm 2004, Việt Nam đã có một bộ tiêu chuẩn và tiêu chí về chất lượng giáo dục ĐH. Sau đó, có bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường ĐH Việt Nam bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí và tới năm 2017, bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường ĐH Việt Nam được ban hành với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN. Tuy nhiên, đến nay bộ tiêu chuẩn này đã có những điểm không còn phù hợp với rất nhiều nội dung mới của giáo dục ĐH, trong đó có chức năng được nhấn mạnh nhiều hơn trước nhưng chưa được đề cập đến. Với xu thế đó, việc bổ sung những đánh giá mới về chất lượng giáo dục ĐH là cần thiết.
“Các tiêu chuẩn đánh giá chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nên sự thay đổi là cần thiết. Các trường ĐH càng phát triển bao nhiêu thì các tiêu chí đòi hỏi càng lớn lên bấy nhiêu” - ông Khuyến nhận định.
Chung quan điểm này, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng hiện nay, hệ thống văn bản để đảm bảo cho kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của mỗi nhà trường và hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản đã đầy đủ, thể hiện từ Nghị định của Chính phủ, Luật Giáo dục ĐH, các thông tư, các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung và giáo dục ĐH nói riêng, đòi hỏi những tiêu chuẩn đánh giá mới bắt kịp những đổi thay của các trường cũng như xu hướng của thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng đặt ra để các trường lấy đó làm thước đo đánh giá, tiếp tục duy trì điểm mạnh, từng bước khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực.
Chú trọng tự đánh giá
TS Lê Viết Khuyến quan tâm đến quy trình đánh giá và tự đánh giá của cơ sở giáo dục ĐH. Cụ thể, để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục dù theo bộ tiêu chuẩn trong hay ngoài nước, do các tổ chức khác nhau đánh giá thì trước hết, các cơ sở giáo dục cần thực hiện tự đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị dựa trên bộ tiêu chuẩn do Bộ GDĐT ban hành. Đây chính là bộ tiêu chuẩn chung để tất cả các trường soi chiếu chất lượng.
Ông Khuyến nhấn mạnh, sau khi các trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá, cần được kiểm định một cách chặt chẽ, khách quan và khoa học bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã được nhà nước cấp phép hoạt động. Bởi trên thực tế, chất lượng tự báo cáo đánh giá của các nhà trường có thể mới ở mức độ nhất định, chưa đạt yêu cầu đặt ra nên cần có sự kiểm định lại.
Được biết, từ 1/9/2021, Thông tư 56/2021/TT-BTC hướng dẫn mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục chính thức có hiệu lực. Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài, giám đốc sở GDĐT quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương. Quy định này sẽ là một trong những yếu tố góp phần đưa chất lượng đánh giá ngoài đạt được thực chất.
Góp ý về dự thảo, một chuyên gia giáo dục cho rằng một trong những điểm khác rõ với bộ tiêu chuẩn hiện hành đó là việc xây dựng các cấp độ công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, thay vì các tiêu chí được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức, từ không đạt yêu cầu đến thực hiện xuất sắc, đạt mức của các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới thì dự thảo lần này đưa ra các mức đánh giá chi tiết đối với các tiêu chí (chưa đạt, đạt mức 1, đạt mức 2), tiêu chuẩn (chưa đạt và đạt) và cơ sở giáo dục ĐH (chưa đạt, đạt có điều kiện và đạt). Như vậy, việc đánh giá sẽ chi tiết hơn để các cơ sở nắm rõ nội dung nào cần cải thiện, cải tiến để từ đó tập trung khắc phục từng phần theo lộ trình và khuyến cáo từ các đơn vị, tổ chức kiểm định.
Theo phân tích của GS Lâm Quang Thiệp, hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đang thực hiện theo hợp đồng kinh tế, như vậy không ổn. Lý do là hợp đồng kinh tế thì thuận mua vừa bán, có thể xảy ra tình trạng nơi nào trả nhiều tiền thì làm tốt, hoặc đánh giá tốt, nơi nào không có tiền thì không đánh giá tốt. Vì vậy, cần chế tài để giám sát các trung tâm kiểm định và được quy định rõ.