Kinh tế

Kiểm soát chất lượng kiểm toán là hoạt động bắt buộc

Thúy Anh 14/03/2024 20:00

Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) là hoạt động mang tính bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao giá trị các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong đó, việc triển khai áp dụng Quy chế sẽ đảm bảo hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan.

Bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), Kiểm toán nhà nước - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán về Quy chế KSCLKT vừa được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành kèm theo Quyết định số 477/QĐ-KTNN và có hiệu lực từ ngày 04/3/2024 (Quyết định 477).

445-202405171552141.jpg
Việc triển khai áp dụng Quy chế sẽ đảm bảo hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan. Ảnh minh họa

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán

Theo bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), Kiểm toán nhà nước, hằng năm, Vụ Chế độ và KSCLKT thực hiện rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động kiểm toán đang áp dụng để nghiên cứu đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi cho phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động kiểm toán, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán.

Qua rà soát, nghiên cứu nội dung Quy chế KSCLKT ban hành kèm theo Quyết định số 1694 (Quy chế 1694) có hiệu lực từ ngày 27/11/2020 và các văn bản, tài liệu có liên quan, Vụ Chế độ và KSCLKT nhận thấy Quy chế này còn một số bất cập chủ yếu như: Chưa quy định KSCLKT đối với tất cả các giai đoạn của Quy trình kiểm toán của KTNN (chưa quy định KSCLKT trong giai đoạn kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán).

Quy chế 1694 quy định KTNN thực hiện KSCLKT theo 5 cấp kiểm soát: Tổng Kiểm toán nhà nước; kiểm toán trưởng; trưởng đoàn KTNN; tổ trưởng tổ kiểm toán; thành viên đoàn KTNN. Tuy nhiên, kết cấu các chương, mục tại Quy chế chưa thể hiện rõ 5 cấp kiểm soát này. Cùng với đó, quy định về tiêu chuẩn tổ trưởng và thành viên tổ KSCLKT cũng chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN nên còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Một số nội dung tại Quy chế 1694 không còn phù hợp với các hướng dẫn, quy định của KTNN đã được sửa đổi như: Quy định về trình tự lập, thẩm định, xét duyệt kế hoạch kiểm toán và báo cáo kiểm toán; Quy trình kiểm toán của KTNN; Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.

Đồng thời, Quy chế 1694 còn nhiều nội dung trùng lặp như: Trình tự thủ tục thực hiện kiểm soát, mục đích kiểm soát; phối hợp trong thực hiện KSCLKT…; quy định về trình tự, thủ tục, nội dung KSCLKT của tổ trưởng và kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) chưa thể hiện là hoạt động kiểm soát và tự KSCLKT của tổ trưởng và KTVNN...

"Việc áp dụng Quy chế sẽ góp phần phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán." - Bà Trương Hải Yến.

445-202405171552142.jpg
Bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán

Quy chế sẽ đảm bảo hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật, chuẩn mực, quy trình kiểm toán

Dự kiến trong tháng 3 này, Vụ Chế độ và KSCLKT sẽ tổ chức phổ biến, trao đổi trong toàn Ngành về nội dung của Quy chế; các đơn vị sẽ quán triệt trong nội bộ đơn vị để tổ chức thực hiện. Vụ Chế độ và KSCLKT hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp kết quả việc triển khai áp dụng Quy chế, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.

Bà Trương Hải Yến hy vọng việc triển khai áp dụng Quy chế sẽ đảm bảo hoạt động kiểm toán tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy định khác có liên quan trong quá trình tổ chức, thực hiện, quản lý các cuộc kiểm toán của KTNN. Việc áp dụng Quy chế sẽ góp phần phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động KSCLKT của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Đồng thời, đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán, nâng cao uy tín của KTNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát chất lượng kiểm toán là hoạt động bắt buộc