Kinh tế

Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế tiềm ẩn khó khăn

N.Quang 22/01/2024 08:30

Nhiều ý kiến tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức, cho rằng, năm 2024 áp lực lạm phát sẽ không quá lớn.

Kiểm soát lạm phát là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2023. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với bình quân năm 2022. Thành công này càng có ý nghĩa khi đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.

ong-do.jpg
Ông Nguyễn Đức Độ.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo lạm phát năm 2024 có thể diễn biến theo một số kịch bản: Ở kịch bản cao: CPI tăng khoảng 3,5%. Kịch bản thấp: CPI tăng khoảng 2,5%. Dự báo CPI năm 2024 trong khoảng 3%.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê công bố về diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023, ông Độ phân tích nửa đầu năm 2023, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2% vào tháng 6/2023. Nguyên nhân chính khiến lạm phát so với cùng kỳ giảm mạnh là tổng cầu trong nửa đầu năm 2023 rất yếu, thể hiện qua việc GDP tăng trưởng rất thấp, quý 1/2023 tăng 3,41%, quý 2/2023 tăng 4,25%.

Tuy nhiên, lạm phát nhích tăng do nền kinh tế phục hồi quý 3, 4/2023.

"Bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn, lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung" - ông Độ nêu. Trên cơ sở đó, sang 2024, việc kiểm soát lạm phát được cho là không quá khó, và áp lực lạm phát sẽ dừng ở mức “dễ thở”.

ba-oanh.jpg
Bà Nguyễn Thu Oanh.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, lạm phát đã được kiểm soát dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội. Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2023.

Có được kết quả như vậy là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều giải pháp được tích cực triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Về những yếu tố có thể sẽ tác động lên lạm phát của Việt Nam trong năm 2024, bà Oanh cho rằng trong năm nay kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tổng cầu tiêu dùng khó có thể tăng lên mạnh mẽ nên áp lực từ lạm phát cầu kéo cũng không lớn. Các yếu tố chính tác động lên lạm phát của Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy, gồm giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá có thể làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục; EVN có thể tiếp tục tăng giá điện; việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024; giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết; hay các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... cũng có thể sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá.

Để kiểm soát lạm phát năm 2024, bà Oanh cho rằng cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế tiềm ẩn khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO