Kiểm soát thu nhập, tài sản

H.Vũ (thực hiện) 09/11/2015 08:00

Thực tế cho thấy, khi thu hồi tài sản do tham nhũng mà có -   thu hồi đất đai lại rất khó khăn so với thu hồi tiền. Trước vấn đề mà ĐĐK đặt ra, ông Đinh Xuân Thảo- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Người tham nhũng không mấy khi đứng tên mình mà lại đứng tên vợ con, cháu, anh em... cho nên khó thu hồi. Chính vì vậy mà cần bổ sung, hoàn chỉnh trong luật.

Kiểm soát thu nhập, tài sản

Ông Đinh Xuân Thảo.

PV: Thưa ông, tại sao thu hồi tiền do tham nhũng được hơn 55% còn thu hồi đất do tham nhũng chỉ đạt gần 30%? Vậy vướng mắc là do đâu?

Ông Đinh Xuân Thảo: Tài sản gồm bất động sản và động sản. Bất động sản quản lý phải theo cách chủ sở hữu nhà và chủ sử dụng đất phải đăng ký. Người ta vẫn nói những người tham nhũng thì họ không mấy khi đứng tên mà họ đứng tên vợ con, cháu, anh em. Cho nên về mặt pháp lý muốn thu hồi thì phải chứng minh cho được tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng mà ra.

Nhưng Luật của ta bây giờ quy định việc kê khai tài sản chỉ có một số chức vụ chứ không phải tất cả mọi người đều kê khai tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Cho nên không phải ai cũng có quyền xem xét. Và ngay người thuộc diện kê khai là cán bộ công chức thì cũng chỉ kê khai đến tài sản của bản thân, con dưới 18 tuổi thôi, còn tài sản của vợ và con trên 18 tuổi người ta không khai thì cũng không bị ảnh hưởng gì.

Vì tài sản họ đã tuồn, hay chuyển tên, thậm chí đứng tên vợ thì chúng ta cũng chưa quy định chứng minh nguồn gốc tài sản đó. Bây giờ đến hỏi người vợ thì người vợ bảo đây là mua bằng tiền của bố tôi hay ông tôi cho chẳng hạn.

Như vậy chúng ta chưa có cơ sở để thu hồi tài sản của người ta. Vướng nhất liên quan đến bất động sản vì phát sinh đến quyền sở hữu, quyền sử dụng. Do đó tài sản phải qua đăng ký là thế, vì giấy trắng mực đen gắn với con người cụ thể chứ không phải là liên quan đến người tham nhũng thì khó mà có thể thu hồi được.

Cái khó nữa là do việc kê khai tài sản quản lý thu nhập cũng đang còn bất cập và không chứng minh được nguồn gốc thu nhập là từ đâu? Còn việc thu hồi tiền nhiều hơn vì thông thường tiền tham nhũng họ có thể gửi vào trong tài khoản ngân hàng, cất giấu trong nhà, hay gửi ở đâu đó. Khi cơ quan điều tra khám xét phát hiện ra thì dễ thu hồi.

Hoặc có thể là do người nhà họ nộp lại tiền đó để giảm nhẹ mức án cho người phạm tội. Chính vì vậy việc thu hồi bằng tiền có thuận lợi hơn do vậy tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng bằng tiền nhiều hơn so với đất là vậy.

Một số ý kiến cho rằng có tình trạng “tham nhũng chính sách”, quan điểm của ông thì sao?

- Đúng là có hiện tượng như vậy, tất nhiên liên quan đến lợi ích nhóm. Có nghĩa khi mà có những tác động của một nhóm lợi ích nào đó đến những nhà hoạch định chính sách để ra một văn bản có lợi cho họ thì rõ ràng người ban hành chính sách nhận “lời hứa” với người đề nghị phải ban hành chính sách phù hợp cho họ thì rõ ràng thế nào cũng có việc được một “giá nào đó”. Đấy chính là tham nhũng chính sách.

Ví dụ chính sách thuế chẳng hạn. Liên quan đến thuế nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng được điều chỉnh tăng lên giảm xuống theo thuế. Nếu làm minh bạch vì đa số, có lợi cho Nhà nước, người kinh doanh thì không có vấn đề gì. Nhưng có việc vì một số tác động của một chính sách nào đó mà nó chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, còn số đông bị thiệt hại, hay Nhà nước không được gì thì rõ ràng trong việc đó phải có tiêu cực.

Hay như chính sách về giải phóng mặt bằng, vấn đề đền bù đất đai chẳng hạn. Mở đường đi qua vùng nông thôn giá đất ở đó rất rẻ chỉ mấy trăm nghìn đồng/m2 nhưng mở con đường cao tốc, dự án khu công nghiệp thì giá đất cao, phần giải tỏa có giá rất lớn. Người làm quy hoạch đó biết sẽ nói trước với nhà đầu tư trước, cắm sẵn để chờ đến khi triển khai thì giá sẽ khác.Đó là lạm dụng việc ban hành một chính sách mới, triển khai một chủ trương nào đó.

Vậy theo ông cần giải pháp nào để ngăn ngừa tham nhũng, phải chăng là cần kiểm soát chặt chẽ tài sản cũng như thu nhập?

- Ở nước ngoài họ bắt phải chứng minh tài sản, người ta quản lý tài sản đối với tất cả mọi người không phân biệt công chức hay người có chức vụ quyền hạn. Một người lao động bình thường thôi cũng phải mở tài khoản ở ngân hàng và nộp tiền vào là họ có thể kiểm soát được số tiền đó có hợp pháp hay không để người ta kiểm soát lượng tiền. Người ta gọi đó là tiền sạch.

Ngay cả trong chi tiêu thôi người ta cũng kiểm soát, ví dụ thấy trong một năm mà tiền trong tài khoản của anh không rút đi thì người ta đến hỏi ngay vậy thời gian qua anh sống bằng gì? Phải chăng anh có một nguồn tài trợ nào đó không hợp pháp? Như vậy họ mới kiểm soát được, còn ta thì khó.

Cho nên vấn đề đặt ra là cần công khai minh bạch thông tin là như vậy. Khi có dự án phải công khai để người dân biết và tham gia, không được giấu giếm thì lúc đó sẽ hạn chế ngăn ngừa tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát thu nhập, tài sản