Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát huy vai trò tích cực trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nhiều tư vấn, khuyến nghị kịp thời
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã ghi nhận những mặt tích cực, cũng như chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn, khuyến nghị giúp các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) nhà nước và các đơn vị thành viên ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.
Hoạt động kiểm toán tại các DNNN và những kết luận, tư vấn khuyến nghị của KTNN đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các DNNN.
Là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, ông Lê Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, TKV thường xuyên nằm trong danh sách các đơn vị được KTNN thực hiện kiểm toán hàng năm. KTNN đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, có nhiều ý kiến tư vấn để TKV ngày càng hoàn thiện hơn về quy chế hoạt động, công tác quản trị DN.
Đối với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, KTNN cũng đã luôn đồng hành cùng DN, có ý kiến phản hồi kịp thời đến các cơ quan chức năng để từng bước tháo gỡ. Bên cạnh đó, qua các đợt kiểm toán, các cán bộ của TKV cũng đã có nhiều cơ hội để được làm việc trực tiếp, trao đổi chuyên môn với các kiểm toán viên, từ đó được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
Có thể nói, KTNN có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Khuyến nghị kiểm toán giúp kịp thời nhận diện, xử lý rủi ro tài chính
Nhìn thẳng vào vấn đề còn tồn tại của TCT, ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, KTNN là công cụ giúp minh bạch về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách và DN. Kết quả kiểm toán không chỉ trực tiếp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gian lận, tham nhũng, lãng phí mà còn góp phần tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các kết quả kiểm toán cho lãnh đạo DN; cung cấp thông tin cho chủ sở hữu quyết định kế hoạch tài chính, nguồn lực tài chính, tài sản và nguồn lực đầu tư cho DN. Qua đó phát huy vai trò giám sát của chủ sở hữu đối với các đơn vị thành viên...
Trên cơ sở ý kiến tư vấn, khuyến nghị của KTNN, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những biện pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại TCT và các đơn vị thành viên thông qua 3 nhóm hoạt động. Đó là:
Thứ nhất, TCT đã rà soát các quy chế, quy định từ cấp TCT đến các đơn vị thành viên, phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản. Từ đó khắc phục những bất cập tồn tại và tìm các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, điều hành của Tổng công ty…
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính đối với các công ty con, đơn vị phụ thuộc, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập. Đồng thời hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính.
Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu phản ánh tình hình huy động vốn như hệ số nợ; các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán như hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán ngay; các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất sử dụng vốn như hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, vòng quay vốn lưu động; các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời như khả năng sinh lời hoạt động, khả năng sinh lời tài sản, khả năng sinh lời vốn chủ. Từ đó giúp nhận diện rủi ro tài chính của TCT và các đơn vị thành viên để có biện pháp điều hành, xử lý kịp thời.