Chính trị

Kiểm toán nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước

Thái Nhung 25/01/2024 14:13

Sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã khẳng định vai trò không thể thiếu và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế - tài chính, đóng vai trò tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Khẳng định vai trò

KTNN được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Ngày 14/6/2005, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI thông qua Luật KTNN (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006). Đây là dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới của KTNN với vị thế là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hoạt động của KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước. Luật được xây dựng trên cơ sở thế chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng “Đề cao vai trò của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán mọi cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan KTNN báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và công bố công khai cho dân biết”.

anh-kiem-toan.jpg
Kiểm toán viên KTNN đang trao đổi nghiệp vụ.

KTNN có vai trò, chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; bảo đảm trách nhiệm giải trình về tài chính; các cuộc kiểm toán xem xét, đánh giá việc các cơ quan nhà nước, các tổ chức công đã tuân thủ các quy định của chính sách và pháp luật có liên quan như thế nào; các nguồn tài chính công, tài sản công được sử dụng có tuân thủ pháp luật, có bảo đảm các chuẩn mực về đạo đức và các quy trình, thủ tục đã được xác lập hay không, các cuộc kiểm toán sẽ đánh giá hoạt động, đánh giá hiệu suất và hiệu quả của các chương trình của nhà nước và các dịch vụ công. Các cuộc kiểm toán này giúp chỉ ra mục đích và các mục tiêu đã được đề ra có đạt được hay không, kết quả đạt được có tương xứng với nguồn lực tài chính công đã bỏ ra hay không?

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán còn bảo đảm sự minh bạch và công khai bằng việc cung cấp sự đánh giá độc lập, khách quan về hoạt động của các cơ quan nhà nước; qua đó, giúp cho việc sử dụng tài chính công, tài sản công được minh bạch.

KTNN còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp hoạt động giám sát của Quốc hội. Báo cáo của KTNN cung cấp cho các đại biểu Quốc hội những thông tin đáng tin cậy và cái nhìn từ bên trong về hoạt động của các bộ, ngành, trong việc quản lý tài chính công, tài sản công, cũng như việc tuân thủ pháp luật;

Đồng thời KTNN giúp xác định những rủi ro tiềm ẩn, những lĩnh vực dễ bị tổn thương trong hoạt động của các bộ, ngành. Bằng cách chỉ ra những điểm yếu, những lĩnh vực cần tăng cường quản lý. Điều này giúp giảm thiểu sự thất thoát về tài chính, sự kém hiệu quả trong điều hành…

Như vậy, trong chặng đường phát triển của mình, hoạt động kiểm toán độc lập đã trở thành nhu cầu cần thiết góp phần công khai, minh bạch thông tin tài chính, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như lợi ích và yêu cầu của nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động

Từ những nhiệm vụ quan trọng nêu trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của KTNN trước hết phải nâng cao tính độc hơn nữa của KTNN. Vị thế độc lập của KTNN đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN.

Chỉ tính riêng trong năm 2023 KTNN đã quyết liệt thực hiện xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN đã tăng đáng kể.

Cụ thể, tổng hợp sơ bộ kết quả đến 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,7/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

tap-huan-quan-triet-quy-dinh-so-131-cua-bo-chinh-tri-ngay-27-thang-10-nam-2023.jpg
Tập huấn quán triệt Quy định Số 131 của Bộ Chính trị ngày 27/10/2023.

Cũng trong năm 2023, KTNN đã tập trung thời gian, nguồn lực và có nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển của KTNN. Đến ngày 30/11/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 15/16 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 40/59 văn bản quản lý…

Là đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Tổng KTNN về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tổ chức và hoạt động của KTNN và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong phạm vi quản lý của KTNN theo quy định của pháp luật, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, vụ xác định phương hướng hoạt động năm 2024 là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác pháp luật, công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán, trả lời kiến nghị kiểm toán; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của đơn vị tham mưu về công tác pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế xác định nhiều nhiệm vụ trong tâm trong năm 2024, trong đó: Bám sát chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu của Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để tham mưu lãnh đạo KTNN đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo kế hoạch.

Tháng 8/2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh ký
ban hành Công văn số 740/KTNN-PC yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN tổ chức nghiên cứu, rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.
Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở quy định hiện
hành và từ thực tiễn thực hiện Luật KTNN năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các đơn vị tập trung đánh giá kết quả đạt được sau khi có Luật KTNN năm 2015 trên góc độ về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đặc biệt là việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính
công, tài sản công của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước