Kinh tế

Kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong thực hiện chính sách các dự án năng lượng tái tạo

Phượng Lê 19/04/2024 08:00

Qua kiểm toán, kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai sót trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) giai đoạn 2015-2021 như: Giao đất, cho thuê đất, ưu đãi thuế, hỗ trợ thuế…

445-202405181451161.jpg
KTNN kiến nghị các địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc giao đất, cho thuê đất của các dự án vượt diện tích. Ảnh minh họa

Chậm lập, bổ sung và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất

Theo kết quả kiểm toán chuyên đề Đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng NLTT, giai đoạn 2015-2021, các dự án NLTT được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 5.295,24ha tại 6 tỉnh được kiểm toán. Trong đó, việc phát triển các dự án NLTT chủ yếu từ các loại đất thông thường, chuyển đổi 8,3% diện tích đất rừng phòng hộ, 0,42% diện tích đất trồng lúa.

Qua kiểm toán tại các tỉnh cho thấy, giai đoạn 2015-2021, các tỉnh không ban hành văn bản hướng dẫn riêng đối với các ưu đãi về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển và sử dụng nguồn NLTT mà được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định hiện hành. Sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, bổ sung quy hoạch các dự án NLTT trên địa bàn, Ủy ban nhân dân các tỉnh được kiểm toán đã ban hành các quyết định điều chỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phù hợp với mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án NLTT. Tuy nhiên, các địa phương chậm lập, bổ sung và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2015, 2015-2020 cho các dự án NLTT (tỉnh Bình Định); chậm cập nhật phần đất xây dựng hạng mục, như: Nhà máy, trạm biến áp, đường dây đấu nối vào Kế hoạch sử dụng đất (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tại tỉnh Đắk Lắk có 80 trường hợp, trong đó có một số trường hợp xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không đúng theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, tại các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Định, thực hiện giao đất, cho thuê đất của các dự án vượt 230,53ha so với quy định.

KTNN cũng chỉ ra, chủ đầu tư dự án NLTT chưa thực hiện các thủ tục về đất đai nhưng đã thi công, xây dựng dự án. Cụ thể như, chưa thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất để tính tiền thuê đất đối với đất đã xây dựng đường dây truyền tải điện và thời gian đo gió của một số dự án NLTT đã hoàn thành đi vào sử dụng (tỉnh Tây Ninh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu). Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện thi công trên thực địa nhưng chưa hoàn tất các thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định (Bình Định 2 dự án; Tây Ninh 3 dự án; Bà Rịa - Vũng Tàu 2 dự án; Long An 4 dự án; Bình Thuận 4 dự án). Đến thời điểm kiểm toán tháng 4/2022, 4 dự án tại Long An và đến thời điểm ngày 08/7/2022, 2 dự án tại Bình Định, 3 dự án tại Tây Ninh đã ký hợp đồng thuê đất.

KTNN chỉ rõ, hiện việc xử lý rác thải từ các dự án năng lượng tái tạo như các tấm quang điện mặt trời khi hết tuổi thọ hoặc kết thúc vòng đời dự án chưa có hướng dẫn cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 quy định về quản lý chất thải rắn nhưng chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý chất thải nguy hại. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về chất thải nguy hại song vẫn chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý chất thải nguy hại. Do vậy, việc xử lý chất thải là các tấm quang điện mặt trời là một trong những vướng mắc trong bảo vệ môi trường cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Kết quả kiểm toán cũng nêu rõ tình trạng triển khai thi công dự án trên phần diện tích là đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa trước khi có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử đụng đất của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, có 10 dự án nằm trong vùng quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và khu vực quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đáng chú ý, các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng với 5,26ha rừng phòng hộ không thuộc phạm vi đất được giao, vượt ra ngoài mốc tọa độ của dự án. Ngoài ra, qua kiểm tra trên hồ sơ thuyết minh tổng hợp quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do chủ đầu tư lập đã được phê duyệt, hồ sơ giao thuê đất cho 05 dự án đối chiếu với tọa độ trên Google map, trích lục bản đồ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho thấy có nghi ngờ hiện tượng một số dự án sử dụng diện tích đất nằm ngoài phạm vi được giao đất.

Đến thời điểm kiểm toán (tháng 3/2022), 13 vị trí dự án có trong quy hoạch NLTT và quy hoạch sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sử dụng giai đoạn 2018-2020, tương ứng 3.058,73ha chưa thực hiện làm thủ tục đầu tư để triển khai dự án, dẫn đến chưa thực hiện các thủ tục cho thuê đất (tỉnh Đắk Lắk).

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuế, bảo vệ môi trường có vấn đề

Liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, kết quả kiểm toán cho thấy, số tiền được ưu đãi, miễn, giảm từ các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế và tiền thuê đất cho các dự án NLTT theo số liệu của Tổng cục Thuế bao gồm: Thuế Thu nhập doanh nghiệp được miễn 1.956,1 tỷ đồng, được giảm hơn 686,8 tỷ đồng; tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được miễn là gần 10 tỷ đồng, được giảm 5,2 triệu đồng; tiền thuê đất, thuê mặt nước được miễn hơn 1.385,5 tỷ đồng; miễn, giảm thuế nhập khẩu phục vụ các dự án NLTT 1.030 tỷ đồng.

Giai đoạn 2015-2021, cơ quan thuế thực hiện 905 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dự án NLTT. Kết quả, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã truy thu thuế 157,1 tỷ đồng, số tiển phạt là hơn 72,4 tỷ đồng, thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 16,1 tỷ đồng.

Qua kiểm toán tại 6 tỉnh, thành phố, KTNN chỉ ra nhiều sai sót trong thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế đối với các dự án NLTT. Cụ thể như, chưa thực hiện xác định giá đất cụ thế đối với trường hợp phải tổ chức xác định giá đất cụ thể theo quy định; chưa kịp thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội phối hợp để lập hồ sơ tính tiền thuê đất đối với đất thuê hệ thống đường dây truyền tải điện của một số dự án NLTT đã hoàn thành, đi vào hoạt động nhưng chưa được tính tiền thuê đất (Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, Bình Định); thời gian giải quyết hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất còn chậm; kê khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chậm; đồng thời, 5 dự án chưa đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất.

Đối với việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường, kết quả kiểm toán chỉ ra, công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển NLTT tại các địa phương được kiểm toán còn một số tồn tại, như: Chậm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường, chậm thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, một số nội dung thẩm định chưa cụ thể…

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị các địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc giao đất, cho thuê đất của các dự án vượt diện tích; đồng thời xử lý theo quy định pháp luật; rà soát, xử lý đối với các nhà đầu tư chưa đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất./.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong thực hiện chính sách các dự án năng lượng tái tạo