Xuất phát từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan.
Bài viết của TS. Lê Minh Nam - Uỷ viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã cho thấy điều đó.
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và kịp thời
Nhiệm vụ của KTNN và của Ủy ban TCNS được quy định rõ trong Luật KTNN, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, KTNN có nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN; tham gia ý kiến với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét báo cáo, thẩm tra các nội dung trên. KTNN cũng có nhiệm vụ tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giám sát việc thực hiện NSNN và chính sách tài chính khi có yêu cầu cũng như tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh khi có yêu cầu trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh… KTNN thực hiện lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm đến Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 16 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc.
Theo quy định, Ủy ban TCNS có nhiệm vụ: Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, KTNN và các dự án khác do Quốc hội, UBTVQH giao. Đồng thời, Ủy ban TCNS thực hiện thẩm tra chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; chủ trì thẩm tra dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và tổng quyết toán NSNN. Ủy ban TCNS giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, KTNN; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán NSNN và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách và kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách, KTNN…
Trong các quy định về lập, thẩm tra các báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban TCNS có nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, báo cáo về thực hiện NSNN và quyết toán NSNN, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách và phương án sử dụng số tăng thu, số tiết kiệm chi của ngân sách trung ương do Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH. Liên quan đến nhiệm vụ lập, thẩm tra các báo cáo, KTNN có trách nhiệm kiểm toán NSNN và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, UBTVQH; trình Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN cũng như tham gia với Ủy ban TCNS và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN.
Như vậy, từ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan tại các văn bản luật nêu trên cho thấy, mối quan hệ giữa Ủy ban TCNS và KTNN luôn có sự gắn bó, phối kết hợp dựa trên việc đồng hành thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định, kiểm tra, kiểm soát, đề xuất chính sách trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản công quốc gia và các hoạt động có liên quan. Theo đó, quy định cụ thể về trách nhiệm của mỗi bên đã đặt ra đòi hỏi công tác phối hợp giữa Uỷ ban TCNS và KTNN phải thật sự chặt chẽ, đồng bộ, kết nối và kịp thời mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của hai cơ quan chặt chẽ, hiệu quả. Theo đó, Ủy ban TCNS và KTNN đã giúp cho Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - có đầy đủ thông tin, dữ liệu, số liệu trung thực, khách quan, tin cậy, đưa ra các đề xuất, kiến nghị có nội dung chuyên môn sâu trước khi Quốc hội xem xét bấm nút quyết định những vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, giúp Chính phủ và các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cải thiện công tác quản lý, hướng đến việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực các nguồn lực công.
Ngoài ra, hai cơ quan còn phối hợp thực hiện thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách và các dự án khác do Quốc hội, UBTVQH giao. Trong đó, thông qua hoạt động kiểm toán, nhất là hoạt động kiểm toán ngân sách được triển khai từ trung ương đến địa phương, KTNN đã cung cấp các thông tin kết quả kiểm toán giúp chỉ rõ thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công, chỉ ra những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập trong quản lý sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công quốc gia, về chính sách tài khoá, tiền tệ, nợ công…Qua đó, giúp Ủy ban TCNS có thêm thông tin đưa ra ý kiến thẩm tra, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh được phân công; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy phạm pháp luật không phù hợp được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để Ủy ban TCNS xem xét, giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ được giao.
KTNN cũng cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu, hồ sơ cho Ủy ban TCNS để Ủy ban thực hiện vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra các báo cáo do Chính phủ trình trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN. KTNN cũng cung cấp thông tin tài liệu và bố trí nhân sự phối hợp tham gia ý kiến thẩm tra các chính sách cơ bản về tài chính quốc gia, việc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ…khi được yêu cầu.
Bên cạnh đó, KTNN còn gửi các báo cáo kiểm toán phục vụ hoạt động chuyên môn, hoạt động giám sát của Ủy ban TCNS và cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội. Cùng với việc khai thác, sử dụng thông tin báo cáo kiểm toán, Ủy ban TCNS cũng đề nghị KTNN bố trí nhân sự tham gia các hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách; giám sát hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện dự toán NSNN và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách và kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về tài chính, ngân sách.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước
Ngoài việc phối hợp tốt trong việc thẩm tra, giám sát về các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách. Sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban TCNS và cơ quan KTNN còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTNN.
Theo đó, Ủy ban TCNS là cơ quan được giao chủ trì hoặc phối hợp thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của KTNN như Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN; Pháp lệnh Xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN… Hai cơ quan thường xuyên trao đổi, phối hợp tổ chức các phiên họp, tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh; trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, thông qua. Trên cơ sở đó, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu hoạt động của KTNN trong từng giai đoạn phát triển; khẳng định vị thế, vai trò của KTNN trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng với đó, Ủy ban TCNS cũng thực hiện giám sát chính hoạt động của KTNN theo quy định của pháp luật, yêu cầu giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, góp phần cải thiện hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; đồng thời thực hiện giám sát và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị được kiểm toán chấp hành nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN. Trong năm 2023, lần đầu tiên Ủy ban TCNS đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Thông qua phiên giải trình đã làm rõ “bức tranh” về thực trạng tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua; chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tồn đọng một lượng lớn các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của KTNN, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách.
Hàng năm, Ủy ban TCNS chủ trì thẩm tra Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm của KTNN; chủ trì thẩm tra Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của KTNN. Qua công tác thẩm tra, Ủy ban TCNS đã chia sẻ và có những kiến nghị, đề xuất để KTNN hoàn thiện thể chế và các điều kiện giúp KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đặc biệt, hai cơ quan đã phối hợp rà soát và đề xuất các chủ trương định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội đưa vào Kế hoạch kiểm toán năm, hướng đến chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, góp phần làm minh bạch, vững bền nền tài chính quốc gia.
Thông qua việc rà soát, thẩm tra kế hoạch kiểm toán năm của KTNN, Ủy ban TCNS cũng tham mưu cho Quốc hội, UBTVQH đặt hàng KTNN thực hiện các cuộc kiểm toán theo yêu cầu.
Nhìn lại quá trình phối hợp công tác giữa Ủy ban TCNS với KTNN thời gian qua có thể thấy, công tác phối hợp đã đáp ứng yêu cầu chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng, kịp thời và mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần quan trọng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Trên cơ sở những kết quả đạt được từ công tác phối hợp, trong thời gian tới, Ủy ban TCNS và KTNN cần tổ chức phối hợp tổng kết rút kinh nghiệm, nhận diện những mặt làm được, những tồn tại hạn chế nhằm cải thiện hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa hai cơ quan. Trong đó, KTNN cần chủ động, thực hiện hợp lý, hiệu quả hơn công tác phối hợp với Ủy ban TCNS. Trong thời gian tới, hai bên cũng cần nghiên cứu, báo cáo UBTVQH đề xuất được ký kết quy chế phối hợp giữa Ủy ban TCNS và KTNN để đảm bảo công tác phối hợp đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và hiệu lực cao hơn.