“Từ buổi ban đầu thành lập cho đến 30 năm sau, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tạo dựng được niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, các đối tượng kiểm toán, cũng như người dân vào kết quả kiểm toán”, đó là nhận định của nguyên Phó tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân.
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân chia sẻ: “Tôi có may mắn là thế hệ đầu tiên của KTNN với 21 năm công tác trong Ngành. Giờ đây, nhìn lại 30 năm xây dựng và phát triển, tôi rất xúc động”.
Theo ông Lê Hoàng Quân, được sự quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ khi thành lập, KTNN đã được giao nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực ngân sách nhà nước (NSNN). Những ngày đầu, KTNN gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn là chưa có cơ sở pháp lý, như: Luật KTNN hay các quy định, quy trình kiểm toán để làm căn cứ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, KTNN cũng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Chính phủ giao lúc bấy giờ, tức là xác định được tính đúng đắn, trung thực trong các báo cáo quyết toán ngân sách của các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương.
Khi Luật KTNN 2005 ra đời, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập và được sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã thực hiện báo cáo với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về những thông tin đáng tin cậy từ các kết quả kiểm toán, về tính hiệu quả của việc sử dụng tiền và tài sản nhà nước để phục vụ công tác giám sát của Quốc hội ở các lĩnh vực. “Từ buổi ban đầu thành lập cho đến 30 năm sau, KTNN đã tạo dựng được niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, các đối tượng kiểm toán cũng như người dân vào kết quả kiểm toán” - ông Lê Hoàng Quân cảm nhận.
Nhìn lại 30 năm qua, ông Lê Hoàng Quân vô cùng phấn khởi khi KTNN đã thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán, trong đó có tới 50% là các cuộc kiểm toán ngân sách. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thực sự như kỳ vọng và cần phải đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách. Bởi lẽ, theo Luật KTNN cũng như Luật NSNN, từ các báo cáo quyết toán của các đơn vị cơ sở cho đến báo cáo quyết toán tổng hợp của tỉnh, thành phố, báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, các tổ chức nghề nghiệp có sử dụng các nguồn lực NSNN đều phải được kiểm toán. Đây là quy định của luật cũng như yêu cầu của Quốc hội.
Trong bối cảnh hiện nay, kết quả của KTNN là hết sức quan trọng và cần thiết để phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Mặt khác, theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80% và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là yêu cầu rất cần thiết, phù hợp với công cuộc đổi mới phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đảm bảo kiểm tra đầy đủ các nguồn lực, nguồn thu ngân sách, cũng như xác định được nhiệm vụ chi hợp lý để đi đến cân đối ngân sách. Giảm bội chi, tăng vay hay trả nợ, điều này đòi hỏi KTNN phải có trách nhiệm báo cáo, tư vấn cho các cơ quan Quốc hội về vấn đề này thông qua hoạt động kiểm toán.
Nhiều kỳ vọng
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân đồng tình với các giải pháp phát triển KTNN trong thời gian tới mà ông Lê Đình Thăng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN - đưa ra, đó là: Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Để phát huy được giá trị của báo cáo kiểm toán, kết quả kiểm toán và tạo sự tin tưởng của nhân dân cũng như các đối tượng, đơn vị được kiểm toán, ông Lê Hoàng Quân bày tỏ mong muốn KTNN tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Luật KTNN có thể bổ sung hoặc làm rõ hơn việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, làm sao để đạt hiệu quả cao hơn.
Hiện nay, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là một bước trong quy trình kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra của KTNN, cơ quan nào đảm nhận nhiệm vụ đánh giá hiệu quả của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán? “Theo tôi, vấn đề này nên được nghiên cứu để có thể bổ sung trong văn bản pháp luật. Kết luận của KTNN đã được công khai. Thế nhưng, kết quả thực hiện đến đâu thì đó là điều mà công chúng, nhân dân vẫn đang khao khát muốn được biết rõ hơn. Tạo điều kiện cho việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt hiệu quả hơn là rất quan trọng” - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định.
Ông Lê Hoàng Quân cũng kỳ vọng KTNN sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu trong 30 năm qua và phải có các biện pháp để làm tốt hơn nữa trong tương lai. Trước hết là việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho KTNN. Thứ hai, điều quan trọng là nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên. Thứ ba, bên cạnh việc thực hiện tốt kiểm toán tuân thủ, KTNN cần làm tốt kiểm toán hoạt động để hạn chế những tiêu cực phát sinh. Những năm qua, KTNN đã bước đầu làm được điều này, ví dụ như: Kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm toán các chuyên đề phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, giám sát việc sử dụng các nguồn lực NSNN.
Đồng thời, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Ngay từ những năm đầu thành lập, chúng ta đã học hỏi kinh nghiệm từ các nước có cơ quan kiểm toán tối cao phát triển hàng trăm năm để áp dụng phù hợp vào thực tiễn của Việt Nam. KTNN cũng đã nâng cao vị thế trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao của khu vực và quốc tế. Một giải pháp nữa là KTNN phải chú trọng hơn đến công tác truyền thông, đặc biệt là việc công khai hơn, minh bạch hơn kết quả kiểm toán. “Nếu thực hiện tốt những giải pháp này thì KTNN có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai”- nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân kỳ vọng.