Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam rất chú trọng đến các hành động quốc gia về khí hậu, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như luôn chủ động, tích cực tham gia kiểm toán hợp tác về thích ứng với BĐKH.
Chương trình của Chính phủ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng
Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ ra rằng, thất bại trong việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH là 2 rủi ro toàn cầu nghiêm trọng nhất trong 10 năm tới. BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu với mức độ thiệt hại khó lường. Chính vì vậy, ứng phó với BĐKH là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng trong Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Nhận thức rõ các nguy cơ và thách thức của BĐKH, những năm qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, chiến lược quốc gia… nhằm ứng phó hiệu quả với tác động của BĐKH và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, như: Lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm, 10 năm ở cả cấp Chính phủ và địa phương; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 có 1 chương về ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, Chính phủ cũng triển khai các kế hoạch hành động thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, như: Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Thỏa thuận Paris về BĐKH (COP21), Thỏa thuận khí hậu Glasgow (COP26), Công ước về Bảo vệ tầng Ozon, Cơ chế hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs), Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch... Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
Để đóng góp phần ứng phó với BĐKH trên toàn cầu, thời gian qua, KTNN đã chú trọng và triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường được xã hội quan tâm hoặc lồng ghép nội dung kiểm toán liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cuộc kiểm toán thường niên. Đặc biệt, giai đoạn 2023-2024, KTNN đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường và đã ký cam kết tham gia kiểm toán hợp tác về hành động thích ứng với BĐKH do Cơ quan sáng kiến phát triển của INTOSAI (IDI) phối hợp với Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI chủ trì thực hiện. Tuy vậy, so với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, KTNN Việt Nam còn rất trẻ. Trong khi đó, BĐKH là vấn đề cấp bách toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các quốc gia. Bởi vậy, trong quá trình tổ chức triển khai kiểm toán hành động quốc gia về khí hậu, KTNN đang gặp một số khó khăn:
Trước hết, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán đánh giá hành động quốc gia về khí hậu cho kế hoạch kiểm toán chiến lược và hằng năm gặp khó khăn, do hầu hết các hành động quốc gia về khí hậu của Chính phủ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án… và liên tục điều chỉnh phù hợp với bối cảnh quốc gia và cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn và định hướng hành động quốc gia về khí hậu ở các cấp mới ban hành, cần thời gian để triển khai và đưa vào thực tiễn. Nguồn lực quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và là nước “thu nhập trung bình” cần có thời gian cân đối, điều chỉnh phù hợp và kêu gọi hỗ trợ từ quốc tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về khí hậu chưa đầy đủ và chưa có sự kết nối… Ngoài ra, KTNN cũng chưa có kinh nghiệm, phương pháp, nguồn nhân sự có đủ năng lực thực hiện kiểm toán hoạt động đối với hành động quốc gia về khí hậu; chưa có quy trình hướng dẫn thực hiện kiểm toán BĐKH…
Nhiều giải pháp quan trọng
Bám sát các quan điểm, mục tiêu, trụ cột phát triển và nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia thích ứng với BĐKH, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững, Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030…
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, đóng góp thiết thực cho hành động ứng phó với BĐKH toàn cầu, KTNN đưa ra một số giải pháp định hướng thực hiện kiểm toán ứng phó với BĐKH thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tăng cường kiểm toán môi trường, BĐKH và các mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng việc phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ và yêu cầu giám sát của Quốc hội.
Thứ hai, xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm và định kỳ, rà soát Kế hoạch kiểm toán trung hạn với mục tiêu triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; trong đó, tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu về môi trường, BĐKH và phát triển bền vững mà dư luận xã hội và Chính phủ quan tâm; xác định kiểm toán môi trường, BĐKH và các mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng và mang tính đột phá thời gian tới.
Thứ ba, các vấn đề liên quan tới BĐKH mang tính chất phức tạp, liên ngành, liên lĩnh vực và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng dễ bị tổn thương đòi hỏi kiểm toán viên không chỉ cần có kỹ năng kiểm toán mà cần trang bị kiến thức liên quan tới nhiều lĩnh vực. Do đó, KTNN cần tập trung xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu của từng cuộc kiểm toán. Đồng thời, chú trọng nâng cao công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán thông qua việc phối hợp, trao đổi ý kiến giữa các đơn vị tham mưu từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu lập và phát hành báo cáo kiểm toán, đảm bảo các cuộc kiểm toán tuân thủ đúng các chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn của KTNN và áp dụng linh hoạt chuẩn mực, hướng dẫn, thông lệ quốc tế vào quy trình kiểm toán.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán môi trường, kiểm toán BĐKH nói riêng, như: Truy cập, trích xuất, phân tích các số liệu từ hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu về quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương…
Thứ năm, tăng cường học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán môi trường, kiểm toán BĐKH và kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững từ các SAI và cộng đồng quốc tế; tiếp tục áp dụng ISSAI và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp tiếp cận, phương pháp kiểm toán, hướng dẫn và thông lệ quốc tế phù hợp từ bước chuẩn bị, lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán cho đến xây dựng báo cáo kiểm toán, góp phần nâng cao giá trị các kết quả và kiến nghị kiểm toán.