Nhìn nhận về kinh tế toàn cầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra con số: Trong năm 2020, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ tới 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Tất nhiên đây là dự đoán của một tổ chức tài chính, nhưng nó cũng đã cho thấy khó khăn rất lớn của kinh tế năm nay của bất cứ quốc gia nào. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong tình thế ấy, câu hỏi đặt ra là cách gì để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không để nền kinh tế đổ gãy.
1. Ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã vào cuộc chiến chống dịch. “Chống dịch như chống giặc”, đó là thái độ của Đảng, Nhà nước, từ đó hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước là hơn 100.000 pháo đài chống dịch.
Chính từ chủ trương đó, quyết tâm đó cùng với những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả mà chúng ta đã từng bước đẩy lùi, ngăn chặn sự tác oai tác quái của virus SARS-CoV-2. Việc sớm phát hiện người dương tính với SARS-CoV-2, truy vết, khoanh vùng dập dịch; chặn dịch từ bên ngoài - dập dịch từ bên trong… đã khiến Việt Nam thu được những thành công lớn trong cuộc chiến gian nan với Covid-19.
Cho tới ngày 25/7, khi xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam đã có 99 ngày thành công trong cuộc chiến với Covid-19. Rồi, bóng ma Covid đã trở lại với những ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, không xác định được nguồn lây bệnh (ca F0). Kể từ đó cho tới nay, TP Đà Nẵng đã trở thành địa phương nóng bỏng về dịch Covid-19. 3 bệnh viện lớn nhất của thành phố bị phong tỏa. Nhiều khu dân cư bị phong tỏa.
Từ Đà Nẵng, các địa phương lân cận cũng lập tức bị tác động. Đó là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk… Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng cũng lại rơi vào thời điểm du lịch hè, người nhiều địa phương trong cả nước đã đến đây. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi nơi cả gần trăm ngàn người. Còn cả nước có tới 1,4 triệu người đã đến Đà Nẵng kể từ ngày 1/7 cho đến khi dịch bùng phát.
Trong khó khăn ấy, lại thêm việc hàng chục ngàn đồng bào ta từ nhiều quốc gia, nhiều châu lục trở về Đất Mẹ để tránh và điều trị dịch bệnh. Những chuyến bay đưa đón đồng bào nặng nghĩa nặng tình nhưng cũng chở theo nhiều âu lo về việc “nhập cảnh Covid”. Nhất là chuyến bay từ Guinea Xích đạo về nước, hơn trăm con người đã xác định nhiễm SARS-CoV-2.
Khó khăn chồng lên khó khăn. Việc nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam bỗng lại gia tăng. Cả biên giới phía Bắc lẫn biên giới Tây Nam hầu như ngày nào cũng có người nhập cảnh trái phép, mang theo đó là những ẩn họa không thể nói trước. Đáng giận là trong tình hình nước sôi lửa bỏng thì lại có những phần tử tiếp tay cho những đối tượng nhập cảnh trái phép. Chỉ vì món lợi nhỏ bé trước mắt mà chúng đã nhẫn tâm hy sinh quyền lợi của nhân dân, đất nước.
Như vậy, có thể thấy, giai đoạn hai của cuộc chiến chống Covid-19 của đất nước là vô cùng căng thẳng. Dịch bệnh không chỉ bùng phát, lây lan từ trong chính cộng đồng mà nó còn đến từ nhiều con đường khác mà mỗi con đường đều mang theo sự đe dọa.
Trong bối cảnh ấy, vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là vô cùng khó khăn.
2. Trong một báo cáo công bố ngày 30/7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 đứng thứ 5 thế giới, với nhận xét: Kinh tế Việt Nam dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi (Báo cáo “Điểm lại” - một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, với chủ đề: Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?).
WB đưa ra dự báo, trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Báo cáo của WB cũng đưa ra 3 khuyến nghị:
- Thứ nhất: Cần cân nhắc và thận trọng từng bước nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào du khách và đầu tư nước ngoài.
- Thứ hai: Tập trung vào chính sách tài khóa - công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước.
- Và thứ ba: Hỗ trợ có mục tiêu để khu vực tư nhân phục hồi, theo cách có lựa chọn vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi Covid giống nhau. Trong đó, cần đặc biệt chú ý những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
Tuy nhiên, theo bà Stefanie Stallmeister - quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, dự báo cũng như các khuyến cáo còn chịu nhiều bất định và rất có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình khôi phục kinh tế.
Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% - mặc dù là mức thấp nhất trong 3 thập niên qua. Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp. Việt Nam đã thể hiện khả năng ứng phó với tác động của Covid-19 trên các cân đối kinh tế đối ngoại, thông qua duy trì được thặng dư thương mại và thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào, mặc dù xuất khẩu có bị chững lại trong những tháng gần đây.
Theo các chuyên gia WB, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Do động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia - sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước - khó có thể sớm quay lại như trước đại dịch, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.
3. Báo cáo của WB về kinh tế Việt Nam năm 2020 được cho là lạc quan. Vui, nhưng không thể chủ quan khi mà dịch Covid-19 đã quay trở lại với đất nước cũng như vẫn đang hoành hành dữ dội trên thế giới. Và trong thực tế, Chính phủ đã luôn nhận diện đúng tình hình, không một phút chủ quan lơ là phòng, chống dịch nhưng cũng không buông lỏng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, không để nền kinh tế đổ gãy, phấn đấu tăng trưởng dương trong 2020, quyết tâm ấy của Thủ tướng, của Chính phủ cũng chính là quyết tâm chung của các cấp các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp.
Ngày 7/7, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong khó khăn chính là lúc thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực vượt khó vươn lên, bảo đảm 3 trụ cột: phòng chống dịch, duy trì kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 16/7, trong cuộc gặp mặt một số thành viên thường trực, tiêu biểu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam), Thủ tướng đã nhấn mạnh trong hoàn cảnh khó quyết không để đổ gãy nền kinh tế, nỗ lực đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.
Ngày 1/8, làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, hiện nay việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta. Dù tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, phát triển; có ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn.
Ngày 3/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng nhắc lại chủ trương lớn “không để đứt gãy nền kinh tế”.
Điểm qua những cuộc làm việc chính của Thủ tướng có thể thấy kể từ khi dịch chưa quay trở lại (ngày 25/7) thì Chính phủ cũng đã nhận diện rõ khó khăn đồng thời đặt ra quyết tâm rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy rằng, hồi phục và phát triển kinh tế trong tình hình hiện nay là vô cùng khó khăn. Khó khăn nhưng không phải là “nhiệm vụ bất khả thi” nếu có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, tất cả vì mục tiêu an toàn cho người dân, tăng trưởng cho kinh tế đất nước.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: GDP của Việt Nam năm 2020 là con số nào? Câu trả lời chỉ có thể có được khi tất cả cùng chung sức chung lòng, không “lạc quan tếu” cũng không bi quan, không bó tay thúc thủ. Trái lại, phải là một ý chí kiên cường, một tinh thần vượt lên gian khó; trước nỗ lực một thì nay phải nỗ lực mười. Chỉ có như vậy chúng ta mới vượt qua được những khó khăn chồng chất, nền kinh tế không đứt gãy mà là nền kinh tế kiên cường trong bão táp.