Kinh tế

Kiến nghị tăng thu ngân sách sau kiểm toán ở nhiều tập đoàn, tổng công ty

Thái Nhung 04/04/2024 09:34

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố “bức tranh” tổng thể trong hoạt động kiểm toán năm 2022 về báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) và công ty.

kiem-toan.jpg
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán năm 2022 liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty. Ảnh minh họa: N.Lộc

Việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế

Điểm sáng được ghi nhận trong “bức tranh” tổng thể kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 TĐ, TCT và công ty là 19/20 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi.

Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT, công ty tăng 2.216,31 tỷ đồng, giảm 0,036 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.297,54 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 41,83 tỷ đồng, giảm 1.121,61 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các TĐ, TCT, công ty phải tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bộ đã tiếp nhận thông tin do KTNN cung cấp liên quan đến kết luận kiến nghị kiểm toán tại các TĐ, TCT. Trong đó có một số đơn vị phát sinh số kiến nghị tăng thu NSNN về thuế phí, các khoản liên quan đến thuế phí, tăng thu khác và giảm trừ thuế giá trị gia tăng lớn. Ngay sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các công văn phân công, đôn đốc, chỉ đạo Cục Thuế địa phương rà soát, thực hiện các nội dung kiến nghị, đồng thời phối hợp với Kho bạc Nhà nước khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các kiến nghị của KTNN. Với sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, việc thực hiện kiến nghị của KTNN tại các TĐ, TCT đã đạt được kết quả tích cực.

Cùng với những bất cập nêu trên là tình trạng quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi… cũng diễn ra tại nhiều DN.

Nhiều DN bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ; trích lập dự phòng thừa hoặc thiếu nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định. Theo KTNN, còn có tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển; chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; chưa kiểm kê đầy đủ vật tư, hàng hóa.

Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng chưa đúng quy định, có DN trích thừa, nhưng có DN lại trích thiếu hàng tỷ đồng. Một số DN khấu hao tài sản cố định không đúng quy định. Một số DN sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả…

Đáng chú ý, KTNN đã cảnh báo một số DN có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kế hoạch

Các TĐ, TCT đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN và khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước. Nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót như kết quả kiểm toán đã chỉ ra thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu; một số dự án lớn còn vướng mắc, chưa thể “hồi sinh”… đang cản trở bước tiến của nhiều DNNN.

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của các TĐ, TCT và công ty cũng cho thấy, một số công trình đã hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn. Ngoài ra, còn những DN chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số TĐ, TCT, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt. Một số DN chưa được phê duyệt quyết toán vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hàng chục người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN chưa báo cáo kịp thời và đầy đủ để có các giải pháp khắc phục đối với các công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ theo quy định...

Theo đại diện Bộ Tài chính, nhìn chung, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do việc sắp xếp cơ sở nhà đất, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ đất đai; các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến các thương vụ bán cổ phần lần đầu và thoái vốn của DNNN dẫn đến tình trạng tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại các DN vẫn cao. Một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa quyết liệt; việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại DN chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để biết vì sao DN đầu tư thua lỗ thì phải xem xét từng nguyên nhân. Việc một số DN đầu tư ra ngoài bị thua lỗ thì phải xem xét đó là lỗ của một năm hay là lỗ kéo dài qua nhiều năm. Bản thân DN phải rà soát hết toàn bộ vấn đề này, từ đó lập lại các phương án kinh doanh của DN. Nếu chỉ lỗ 1 năm thì thông thường kinh doanh có năm lãi, có năm lỗ, song trong dài hạn có lãi thì đó là câu chuyện khác. Còn nếu như lỗ triền miên, kéo dài thì toàn bộ Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị phải tính toán lại xem đầu tư đó có hiệu quả hay không, phải cơ cấu lại, thu gọn đầu mối đầu tư bởi điều đó chứng minh là DN đầu tư ở những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến nghị tăng thu ngân sách sau kiểm toán ở nhiều tập đoàn, tổng công ty

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO