Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cho biết, sau 6 tháng đưa hai bộ cân kiểm tra tải trọng xe tại Km78+830, Quốc lộ 5 vào hoạt động thí điểm (15/8/2020 - 14/2/2021), tổng số xe tải cân kiểm tra là hơn 466.700 lượt. Trong đó, có 663 lượt xe (chiếm 0,14%) vi phạm tải trọng đường bộ.
So với nửa đầu năm 2020 (7 tháng), số lượt xe vi phạm mức bị xử phạt giảm hơn 49 lần (từ 6,9% còn 0,14%). Số lượt xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân gần 48,9 lần (từ 176 lượt xe/ngày còn 3,6 lượt xe/ngày).
Riêng tháng thứ 6 (từ ngày 15/1 - 14/2/2021), hệ thống đã cân kiểm tra gần 46.200 lượt xe. Trong đó, có 68 lượt xe vi phạm tải trọng đường bộ (chiếm 0,15%), bình quân còn 2 lượt xe/ngày vi phạm.
Theo thống kê, vi phạm tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) 320 trường hợp; vi phạm trọng tải trục 399 trường hợp và vi phạm khối lượng hàng hóa chuyên chở là 224 trường hợp (một số trường hợp có từ 2 - 3 hành vi cho một lần vi phạm).
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, việc đưa 2 bộ cân kiểm tra tải trọng xe tại Km78+830, Quốc lộ 5 vào hoạt động thí điểm đã kiểm soát, giám sát được 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân, mang lại hiệu quả rất cao trong kiểm soát xe quá tải trên Quốc lộ 5.
“Từ tháng thứ hai trở đi, hành vi vi phạm chủ yếu là vượt quá tải trọng trục, mức từ 20% đến dưới 30%. Một số ít xe vi phạm về khối lượng toàn bộ, chủ yếu là xe các địa phương khác đi qua. Hầu hết các chủ phương tiện nhận được thông báo vi phạm sau khi được lực lượng chức năng cung cấp các bằng chứng vi phạm đều chấp thuận về kết quả vi phạm và chấp hành quyết định xử phạt. Đặc biệt, với việc thí điểm hệ thống cân tự động trên Quốc lộ 5, lần đầu tiên các xe có trục phụ, có cơ cấu nâng hạ trục đã bị phát hiện, xử lý, ngăn chặn”, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xét về hiệu quả kinh tế, chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt hệ thống cân tự động không tốn kém. “So với trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh, số lượng người vận hành trạm cân giảm từ khoảng 70 người (nhân viên quản lý, vận hành, bảo vệ, lực lượng chức năng có thẩm quyền dừng xe, lập biên bản vi phạm hành chính,…) xuống chỉ còn 3 - 5 người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, giảm khoảng 10 lần chi phí hoạt động hàng năm (từ khoảng 5 tỷ đồng/năm xuống còn dưới 1 tỷ đồng/năm)” - ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện thí điểm kiểm soát xe quá tải kể từ ngày 1/4/2021. Thời điểm kết thúc giai đoạn thí điểm và tổng kết đánh giá, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ căn cứ tình hình thực tế để báo cáo và đề xuất.
Trên cơ sở mô hình thiết kế, công nghệ, cách thức vận hành các bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động và hình thức xử phạt “gián tiếp” được tổng kết, rút kinh nghiệm từ 2 bộ cân kiểm tra tải trọng xe lắp đặt tại Km78+830(T)/Quốc lộ 5 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ xây dựng và trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành “Mô hình thiết kế xây dựng, lắp đặt và vận hành bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tốc độ cao, 1 cấp cân” để làm cơ sở pháp lý áp dụng thí điểm cho một số dự án trọng điểm.
Cụ thể, có thể áp dụng thí điểm cho dự án lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn TP Hà Nội; trong đó có cầu Thăng Long và đường Vành đai 3; Dự án lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và dự án lắp đặt cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.