Hàng loạt vi phạm về công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường Đại học (ĐH) Trưng Vương (cơ sở chính ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vừa được thanh tra Bộ GDĐT kết luận.
Theo đó, ở các năm 2020, 2021, Trường ĐH Trưng Vương thông tin về phương thức chưa đúng theo đề án đã công bố. Khi kiểm tra xác suất hồ sơ sinh viên ngành Điều dưỡng, có 1 hồ sơ sinh viên chính quy năm 2021 chưa có bằng tốt nghiệp THPT theo quy định; 3 sinh viên hệ vừa làm vừa học chưa đúng quy định.
Về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2020, trường không tuyển được sinh viên ĐH chính quy, hệ vừa làm vừa học tuyển được 816 sinh viên; trong đó khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật tuyển vượt 647 chỉ tiêu (theo thông báo là 100), tương đương vượt 647%; khối ngành Sức khỏe tuyển vượt 4 chỉ tiêu (theo thông báo là 30), tương đương vượt 13,3%. Năm 2021, ở hệ vừa làm vừa học, Trường ĐH Trưng Vương cũng tuyển vượt 54 chỉ tiêu (theo thông báo là 108), tương đương vượt 100%. Năm 2022, ở hệ vừa làm vừa học, trường tiếp tục tuyển vượt 472 chỉ tiêu (theo thông báo là 64), tương đương vượt 737,5%.
Những con số tuyển sinh vượt tới hơn 700% so với thông báo trước đó của nhà trường đặt ra câu hỏi về cơ sở vật chất có đáp ứng được yêu cầu học tập? Số lượng giảng viên cơ hữu của chuyên ngành đó ra sao? Bởi theo kết luận của thanh tra, khi kiểm tra xác suất hồ sơ cho thấy có lớp ngành Điều dưỡng chính quy, trong một năm học có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 31 tín chỉ (91%), giảng viên cơ hữu giảng dạy 3 tín chỉ (9%).
Đặc biệt, theo kết luận của thanh tra, các chương trình đào tạo chưa đảm bảo chất lượng. Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng chưa đảm bảo theo quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe.
Hàng loạt những vi phạm trong các năm gần đây của Trường ĐH Trưng Vương được thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra và cho biết sẽ lập biên bản vi phạm hành chính đối với các vi phạm này, tham mưu Chánh Thanh tra Bộ GDĐT ban hành quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (kể cả các hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt).
Đây không phải là lần đầu tiên thanh tra Bộ GDĐT kiểm tra và chỉ ra vi phạm của các trường. Theo ông Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GDĐT, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, Bộ đã ban hành 94 quyết định xử phạt hành chính với các cơ sở giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe để các trường không vượt rào lần sau. Đơn cử, theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nếu trường ĐH tuyển vượt từ 3% sẽ bị phạt. Đối chiếu với quy định này, Trường ĐH Trưng Vương tuyển vượt tới hơn 600% ở một hệ vừa học vừa làm nhưng hệ ĐH chính quy lại không tuyển được sinh viên nào. Như vậy, có được quy đổi hay không? Hoặc có ý kiến đề xuất ngoài con số thống kê ở thời điểm tuyển sinh, cần có thống kê sau 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… vì có tỷ lệ sinh viên nghỉ học, dẫn đến tỷ lệ vượt giảm xuống thì có giảm mức độ xử phạt?
Câu chuyện tuyển sinh vượt chỉ tiêu tới vài trăm lần rõ ràng sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo bởi trong bối cảnh cơ sở vật chất có hạn, đội ngũ giảng viên cơ hữu là cố định, việc đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình đào tạo là rất khó khăn, thậm chí là khó khả thi. Đó là chưa kể trường tuyển sinh dễ dãi, thậm chí có trường hợp còn thiếu bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn được nhập học và đào tạo. Đồng thời, đến thời điểm thanh tra, Trường ĐH Trưng Vương chưa thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục ĐH theo quy định.
Vi phạm sẽ bị xử lý, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu nhà trường và các cán bộ liên quan. Tuy nhiên, thiệt thòi cho người học khi chất lượng đào tạo không đảm bảo và ảnh hưởng tới xã hội khi những tấm bằng cử nhân được cấp liệu có tương xứng với năng lực của người học? Nhất là khi theo quy định từ 1/3/2020, nội dung ghi trên văn bằng ĐH không còn ghi hệ đào tạo như chính quy hay tại chức… nên càng khó phân biệt thật giả.
Để năng lực tương xứng với bằng cấp, theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT, cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước để phát hiện vi phạm, tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp rồi mới phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục phải đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ. Trong bối cảnh các trường đẩy mạnh tự chủ, cần đảm bảo công khai, minh bạch thông tin để người học và xã hội cùng giám sát.