Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhận thức của con người, đặc biệt là những thế hệ trẻ. Chính vì lẽ đó mà đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai, cho sự phát triển của đất nước.
Mới đây, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức toạ đàm “Những nhà sáng tạo trẻ - Văn hoá kiến tạo tương lai” với những chia sẻ xung quanh việc khởi nghiệp, sáng tạo của những người trẻ.
Tầm nhìn về một thành phố sáng tạo
Tại tọa đàm, nói về nỗ lực và tầm nhìn về một thành phố sáng tạo, cũng như cảm hứng kêu gọi hành động của cộng đồng người trẻ sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, Hà Nội là một trong những thành phố sáng tạo đầy nội lực và năng động.
PGS Phương cho biết, để biến Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo, bà và nhóm nghiên cứu, ban ngành liên quan phải đi tìm lời giải cho 3 câu hỏi sau: Vì sao Hà Nội nên tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO? Cơ hội và thách thức của thành phố là gì? Và cuối cùng là, Hà Nội sẽ tham gia như thế nào?
Đi tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi trên, PGS Phương và cộng sự đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm ra những vấn đề liên quan, giá trị cốt lõi làm nên thiết kế sáng tạo tại Thành phố Hà Nội. Nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 sáng kiến góp phần giải quyết vấn đề. Thứ nhất là cần tạo ra một trung tâm thiết kế sáng tạo tại Thành phố Hà Nội. Thứ hai là tạo ra chương trình truyền hình tiềm năng để quảng bá sáng tạo tại Hà Nội. Và cuối cùng là xây dựng củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội.
3 sáng kiến đều thuộc sáng kiến của thành phố, trong đó, sáng kiến về xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo được áp dụng thường xuyên góp phần thiết kế sáng tạo cho toàn thành phố. “Ở 3 sáng kiến này chúng ta thấy rõ, để kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo thành một thành phố sáng tạo không phải là giải quyết vấn đề xã hội, cơ sở hạ tầng mà vận dụng sáng tạo vào không gian có sẵn để tạo ra hệ sinh thái cho các nhà sáng tạo. Hiện, Hà Nội có khoảng 115 không gian sáng tạo. Điều này có nghĩa là sáng kiến đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo UNESCO của thế giới bước đầu đã có hiệu quả” - bà Phương lý giải và cho biết thêm rằng: Thành phố Hà Nội đang tập trung vào việc xây dựng mạng lưới những nhà thiết kế trẻ, lấy lõi ở Hà Nội và tạo ra sức lan tỏa tại Việt Nam và lan tỏa rộng hơn tới các quốc gia khác trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và nhóm cộng sự hi vọng thế hệ trẻ - những mầm non tương lai, những người nắm bắt nhanh công nghệ thông tin sẽ tạo ra những sản phẩm có ứng dụng cao, dựa trên nguồn vốn văn hóa tại Hà Nội. Điều này thể hiện qua những nét văn hóa đặc trưng vốn có tại Hà Nội - Thành phố nghìn năm văn hiến.
“Trước đây, mọi người thường nói rằng, “Hà Nội không vội được đâu”. Thế nhưng từ khi Hà Nội gia nhập vào Mạng lưới thành phố sáng tạo thì lại cho thấy rằng, một khi Hà Nội không vội thì Hà Nội rất quyết liệt. Điều Hà Nội mong muốn đấy là những người trẻ sẽ tạo ra không gian tương tác tại thành phố, từ đó lan tỏa đến những thành phố khác, góp phần xóa nhòa định kiến cứ nghĩ đến thiết kế là nghĩ đến kiến trúc” - bà Phương nói.
Đưa ra nhận định về tầm nhìn Hà Nội - thành phố sáng tạo, ông Richard Mark Leech - đại diện một công ty địa ốc tại Hà Nội chia sẻ, đơn vị cũng đã tài trợ cho dự án nói trên, nhằm góp phần vào công tác thiết kế sáng tạo tại Thành phố Hà Nội. Đơn vị đề cao sự tham gia của các bạn trẻ để bảo tồn những nét văn hóa tại Hà Nội.
Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai
Cũng xung quanh câu chuyện sáng tạo của người trẻ, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn truyền thông Le (Le group of campanies) khẳng định: Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.
Lý giải cho câu nói trên, ông đưa ra dẫn chứng về việc khởi nghiệp của bản thân mình. Ông Vinh kể, khoảng 10 năm về trước, thời điểm mà xã hội Việt Nam còn kém phát triển ông đã nảy ra ý định thành lập Tạp chí Đẹp. Tuy nhiên, ý tưởng của ông không được đón nhận vì nhiều người cho rằng, vào thời điểm đấy đến ăn còn chẳng có thì con người lấy tiền ở đâu để đầu tư cho ăn mặc.
“Đấy chỉ là một câu chuyện nhỏ, còn ở thời điểm hiện tại, xã hội bây giờ như chúng ta đã thấy, Việt Nam đang có tất cả các thương hiệu xa xỉ trên thế giới. Không chỉ ở lĩnh vực thời trang mà còn ở lĩnh vực thẩm mỹ và nhiều khía cạnh khác, chúng ta đang từng bước bắt kịp với thời đại” - ông Vinh khẳng định.
Tuy nhiên, bài học rút ra đấy chính là nếu như con người không có sự bao dung, chấp thuận về buổi đầu khởi nghiệp thì bây giờ chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thành quả. Đây chính là một bài học cho những người trẻ, để khuyến khích họ dám nghĩ, dám làm.
Đồng quan điểm với ông Vinh, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhìn nhận, chúng ta phải dành thời gian để theo đuổi ý tưởng nền văn hóa, có như vậy chúng ta mới có thể đạt được thành công và gặt hái được nhiều thành tựu.
“Thời điểm mười năm về trước nói đến sức mạnh của nền văn hóa thì sẽ không có một ai dám tin. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, văn hóa đã và đang kiến tạo cho tương lai. Thông qua văn hóa chúng ta thể hiện được bản sắc, lãnh thổ của người Việt Nam. Chính vì lẽ này mà đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai” - bà Phương nhấn mạnh.