Sau 60 phút livestream, một doanh nghiệp (DN) bán đất nền ở Long An thu về 135 tỷ đồng, câu chuyện được môi giới địa ốc gần đây chia sẻ liên tục trên các nhóm (group) mạng xã hội. Việc tổ chức bán nhà trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh vẫn được nhiều người quan tâm, vẫn có sức “nóng”, song giao dịch hoàn thành lại không nhiều.
Thực ra, doanh thu 135 tỷ đồng chưa phải là con số lớn so với một buổi mở bán hàng theo kênh truyền thống (tổ chức sự kiện, tổ chức lễ khai trương nhà mẫu, lễ cất nóc…). Đó là chưa kể con số này đôi khi cũng chỉ là cách để DN tạo hiệu ứng, đánh bóng tên tuổi. Doanh thu thật sự ra sao chỉ có người trong cuộc mới biết.
Trải qua biến động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, suốt 2 năm qua, môi giới bất động sản vẫn “loay hoay” với phương án bán hàng. Thời gian gần đây, bán nhà trực tuyến trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, dù được 100% sàn giao dịch bất động sản áp dụng, nhiều DN môi giới địa ốc thừa nhận hiệu quả không cao.
Khảo sát tại TP HCM với 100 công ty chuyên về môi giới nhà, đất, cho thấy, đa số người đứng đầu công ty đều khẳng định việc bán hàng trực tuyến là rất khó khăn. Nguyên nhân là bởi, việc trao đổi thông tin cho khách hàng qua các group trên Facebook hoặc Zalo, Youtube, các nền tảng công nghệ khác như Zoom, Onmeeting event… thường chỉ mang tính tham khảo. Người dân Việt Nam chưa có thói quen với mua bán nhà trực tuyến, do vậy, những quyết định mua bán bất động sản với giá trị hàng tỷ đồng không thể dễ dàng giải quyết qua mạng internet. Chưa kể, thị trường bất động sản Việt Nam lâu nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, đó là tính minh bạch thông tin. Ngay kể cả với phương thức bán hàng truyền thống để mời được khách hàng tham gia, người mua còn khó nhận được đầy đủ sự tư vấn về tính pháp lý của dự án, chứ chưa nói đến việc tham gia những buổi mở bán nhà trực tuyến.
Điều đáng nói, những quy định về việc chủ đầu tư phải công khai thông tin pháp lý về dự án bất động sản lên trang web đã được luật hoá theo Luật Kinh doanh bất động 2014. Cụ thể, Khoản 1 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định, DN kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh lên trang thông tin điện tử của DN, tại trụ sở Ban Quản lý dự án; hoặc tại sàn giao dịch bất động sản. Nhưng trên thực tế, khi vào web của các DN để tìm hiểu, chỉ toàn thông tin để PR cho dự án bất động sản. Cách mà DN đang công khai thông tin hiện nay thực chất chỉ để có lệ, thông tin công khai đều chưa đúng và đủ theo quy định của pháp luật. Vậy nên rất khó lòng đòi hỏi thành công đến từ hình thức bán nhà trực tuyến.
Lợi thế lớn nhất của bán nhà trực tuyến là tính năng livestream trên nền tảng mạng xã hội, từ đây thông tin kèm hình ảnh, video hay infographic về dự án bất động sản… dễ dàng được truyền tới người xem. Điều này, đáng lý phải được tận dụng để tiếp cận khách hàng, song lại bị một số công ty môi giới tận dụng để lừa gạt người mua. Một số buổi bán nhà trực tuyến, hình ảnh về dự án bất động sản được thêm thắt có chủ đích, từ không có công viên vẽ thành có công viên, hồ bơi diện tích nhỏ lại vẽ thành lớn, các hạng mục không có trên thực tế lại được môi giới đưa vào… Minh bạch thông tin pháp lý của dự án bất động sản là đòi hỏi chính đáng của người dân, và thực tế cũng đã được Luật hoá. Tuy vậy, hiện các ứng dụng bán nhà trực tuyến lại chưa cung cấp hoặc cung cấp thông tin một cách chưa chuẩn chỉnh, thiếu kiểm soát từ cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng là một phần lý do khiến việc bán nhà trực tuyến chưa phát huy được hiệu quả.
Không thể phủ nhận trong thời đại công nghệ số, phải thực hiện nghiêm việc giãn cách do dịch bệnh, việc DN bất động sản thay đổi cách thức bán hàng qua các nền tảng internet là sự thay đổi mang tính thức thời,. Tuy vậy, nếu không làm một cách chuyên nghiệp, cung cấp pháp lý, tiến độ, thiết kế dự án…minh bạch, chuẩn chỉnh thì chắc chắn sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi.