Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp ngoại có ý muốn “chia sẻ” thị phần kinh doanh xăng dầu với DN Việt. Việc cho DN ngoại, DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu là tín hiệu tốt hay xấu đối với người tiêu dùng Việt Nam? Nhiều người cho rằng, thế độc quyền trong phân phối kinh doanh xăng dầu sẽ bị phá vỡ. Và đó cũng là xu hướng của hội nhập.
Một số doanh nghiệp ngoại đang nhăm nhe thị trường kinh doanh xăng dầu. Nếu như thuận lợi, chậm nhất vào 2018 - 2019 các mảng phân phối, kinh doanh, bán lẻ và bán buôn xăng dầu có thể sẽ bị phá thế độc quyền, vốn xưa nay chỉ dành cho doanh nghiệp nội.
(Ảnh: Hoàng Long).
Doanh nghiệp ngoại muốn kinh doanh xăng dầu
Theo Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh xăng dầu Phan Thế Ruệ, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam để thăm dò, điều tra thị trường bán lẻ xăng dầu nhằm dọn đường cho thương nhân của họ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn lĩnh vực bán lẻ. Lúc đó sẽ không có vùng cấm riêng cho các mặt hàng như mía đường, cũng như xăng dầu. |
Công ty Idemitsu Kosan cùng một đối tác khác là Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait - KPI) đã cùng thành lập liên doanh lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Tại liên doanh này, mỗi bên góp vốn 50%. Hiện Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Idemitsu và KPI đang hướng tới việc thúc đẩy hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc.
Như vậy, nếu được đi vào hoạt động, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên gia nhập vào thị trường xăng dầu Việt Nam, nhất là thị trường bán lẻ.
Trước đó nữa, phía Hiệp hội kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch Hiệp hội Phan Thế Ruệ cũng đã từng mở ra thông tin, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam để thăm dò, điều tra thị trường bán lẻ xăng dầu nhằm dọn đường cho thương nhân của họ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn lĩnh vực bán lẻ. Lúc đó sẽ không có vùng cấm riêng cho các mặt hàng như mía đường, cũng như xăng dầu.
Việc cho doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào tham gia thị trường xăng dầu có thật sự là tín hiệu tốt đối với người tiêu dùng Việt Nam? Nhiều người cho rằng, thế độc quyền trong ngành kinh doanh xăng dầu sẽ bị phá vỡ. Dù tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước đã được cải thiện với 23 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu với 69 thương nhân phân phối xăng dầu song đại gia như Petrolimex vẫn đang nắm một tỷ lệ rất lớn. Điều này khiến cho thị trường vẫn mang tính cạnh tranh nửa vời, luôn bị ám ảnh về vấn đề an ninh năng lượng.
Thông tin đại gia Nhật muốn nhảy vào mảng bán lẻ xăng dầu Việt Nam do vậy được kỳ vọng sẽ khắc phục được nhược điểm thị trường, đẩy mạnh hơn tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội lẫn nhau cũng như tăng cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu ngoại về giá bán lẻ xăng dầu giúp người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp.
Một chuyên gia trong ngành kinh doanh xăng dầu cho rằng, theo Nghị định 83/2014 NĐ- CP về kinh doanh xăng dầu thì chưa cho phép doanh nghiệp ngoại chạm vào mảng xăng dầu, nhưng không thể bảo hộ mãi. Trước sức ép hội nhập, năm 2018, 2019 thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ phải mở cửa hoàn toàn. DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ đi đường tắt đón đầu bằng cách bằng cách mua lại hệ thống cửa hàng sẵn có.
Phân phối xăng dầu đang được xem là lĩnh vực nhiều lợi nhuận.
Thu được thuế, giá cạnh tranh, tại sao không mở cửa
Doanh nghiệp ngoại khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi, nhưng muốn có được giấy phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu có thể sẽ phải đối diện nhiều vấn đề khó như từ cơ chế kinh doanh xăng dầu không hoàn toàn theo thị trường, đầu tư hệ thống kho bãi, đại lý và dự trữ lưu thông- theo ông Nguyễn Minh Phong |
Đó cũng là khẳng định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khi trao đổi với Đại Đoàn Kết vào chiều ngày 19-4 nên hay không nên để doanh nghiệp ngoại kinh doanh xăng dầu. Theo ông Phong, sản phẩm tốt, chất lượng tốt để phục vụ người dân trong khi nhà nước lại tăng thu được thuế thì không có gì để từ chối. “Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chỉ là một bước quá độ với sự cạnh tranh chưa triệt để, điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” do vậy cũng cần chỉnh sửa”.
Song ông Phong cũng nhìn nhận, các doanh nghiệp ngoại khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi, nhưng muốn có được giấy phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu có thể sẽ phải đối diện nhiều vấn đề khó như từ cơ chế kinh doanh xăng dầu không hoàn toàn theo thị trường, đầu tư hệ thống kho bãi, đại lý và dự trữ lưu thông.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đồng tình quan điểm mở rộng thêm các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ để tăng thêm tính cạnh tranh ở mảng phân phối bán lẻ xăng dầu phá thế độc quyền trên thị trường. Trước nay, nhiều phân phối xăng dầu trong nước “bình chân như vại” vì được bảo hộ, được ưu tiên. Trước sức ép hội nhập, thị trường hoàn toàn mở cửa, các doanh nghiệp nội khi không làm ăn hiệu quả sẽ bị đào thải.