Xã hội

Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai: Rà soát để ứng phó theo đặc thù địa phương

Kim Huệ 24/12/2024 09:55

Sau hơn 3 tháng kể từ khi siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện trên khắp các địa phương khu vực miền Bắc. Cơn bão chính là phép thử lớn để kiểm chứng năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai, để từ đó mỗi địa phương cần rút ra kinh nghiệm ứng phó tốt hơn trong tương lai.

anhtren.jpg
Bão số 3 ảnh hưởng nặng nề tới các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh. Ảnh: Mai Linh.

Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT) và Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức ngày 23/12.

Khôi phục chăn nuôi, thủy sản đủ nguồn cung Tết

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. “Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp là khoảng 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế” - ông Tiến cho hay.

Ngay sau bão số 3, Bộ NNPTNT và các đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc. Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn lực ngân sách, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… khắp cả nước đã cùng nhau hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại.

“Nhờ đó, sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, mảng cây ăn quả, cây cảnh, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… cần tiếp tục được hỗ trợ các nguồn lực để khôi phục” - ông Tiến nói, đồng thời cho rằng sau quá trình triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với các sự cố thiên tai vừa qua, trong thời gian tới các địa phương cần chủ động rà soát lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lựa những loài phù hợp với đặc thù địa phương để tạo thuận lợi cho phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khẩn trương di dời người dân ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao sạt lở đất đến nơi ở an toàn, xây dựng chính sách phát triển sinh kế bền vững cho số hộ phải di chuyển này.

Theo ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, ảnh hưởng từ bão Yagi khiến Yên Bái bị thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. “Trong các đợt thiên tai, dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai” - ông Phước nhấn mạnh.

Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính

Tại diễn đàn, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai cho rằng, bên cạnh thiệt hại lớn về hạ tầng và nông nghiệp, hơn 90% thiệt hại về người do sạt lở và lũ quét. Vì vậy, cần rà soát lại năng lực phòng chống bão và thiên tai ở các tỉnh phía Bắc. “Phương châm chỉ đạo phòng, chống thiên tai: Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”, ông Phát nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, cần tăng cường năng lực trung hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào công tác dự phòng để chủ động ứng phó với thiên tai. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng, từ đó dành nguồn lực hợp lý để triển khai cho những năm tiếp theo.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Xuân Sang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái cho biết, Yên Bái là địa phương có hoàn lưu sau bão nghiêm trọng, dẫn đến mưa lớn và sạt lở đất, khiến 27.000 ngôi nhà thiệt hại, 3.000 vị trí có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 5.000 hộ dân. Sau bão, tỉnh sắp xếp ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ưu tiên với hình thức xen ghép và tại chỗ.

Tại địa điểm sạt lở, với những khu vực tương đối an toàn, tỉnh Yên Bái đã khuyến cáo người dân gia cố mái. Còn đối với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh Yên Bái đã đề xuất xây dựng 12 khu tái định cư để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025. “Việc tái thiết nhà cửa, sản xuất cho người dân cần nguồn lực vô cùng lớn, trong đó các chính sách hỗ trợ quy định, Nhà nước và xã hội hóa chỉ đóng một phần, ngoài ra cần đến sự tự lực, tự cường của chính người dân” - ông Sang nhấn mạnh.

Cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp

anhboxtren.jpg

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết, năm 2025 tiếp tục được dự báo có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Thêm vào đó, các thị trường nhập khẩu vẫn đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Theo ông Vương, trong năm 2025, các tỉnh phía Bắc cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp dựa trên tình hình thời tiết khí hậu, cơ cấu mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước.

“Các tỉnh cần tập trung vào khôi phục sản xuất lúa và nâng cao sản lượng. Dự kiến, diện tích sản xuất lúa năm 2025 đạt khoảng 2.205 nghìn ha, giảm 23 nghìn ha so với năm 2024. Năng suất lúa dự kiến đạt 58,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha, với sản lượng đạt 12,96 triệu tấn, tăng 194 nghìn tấn so với năm 2024. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị nguồn giống dự phòng và vật tư nông nghiệp để kịp thời ứng phó với thiên tai, đảm bảo duy trì sản xuất trồng trọt ổn định cho bà con nông dân” - ông Vương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai: Rà soát để ứng phó theo đặc thù địa phương