Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực.
Việt Nam vẫn là điểm sáng của ASEAN
Tại báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.
Hay Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics cũng đánh giá rất cao về tốc độ hồi phục kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt mức 7,6% và là nền kinh tế có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực.
Còn theo dự báo của TS Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV), tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt mức từ 6,1% - 6,3%. “Tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19, song khả năng vẫn đạt tăng trưởng từ 6,1-6,3% cho cả năm 2021 khi so sánh với nền thấp của năm ngoái”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2021. “Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm sẽ lạc quan hơn khi cơ hội xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu...”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Tại kỳ họp mới đây, Chính phủ cũng đã thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân.
Điều đáng nói là, trong gần nửa chặng đường của năm 2021, Việt Nam đã có nhiều thị trường giao thương đầy lạc quan, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỉ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỉ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỉ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỉ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỉ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỉ USD, tăng 7,7%...
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, bên cạnh các chỉ số tăng trưởng về xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, số DN thành lập mới cũng là điểm sáng đáng ghi nhận của gần nửa đầu năm 2021.
“Đầu tư trong nước cũng rất tốt. Số DN thành lập mới tăng đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 55,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số DN, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỉ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Hiện tại, theo thống kê có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 63,8%. Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỉ USD, tăng 26%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỉ USD, tăng 74,8%; hàng dệt may đạt 12,2 tỉ USD, tăng 15%; giày dép đạt 8,5 tỉ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỉ USD, tăng 61,3%...
Thách thức không nhỏ 6 tháng cuối năm
Các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7% mới có thể đảm bảo mức tăng trưởng mục tiêu đề ra. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đưa ra cảnh báo, chúng ta không nên chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Mới đây trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đã dự báo CPI sẽ tăng dần vào cuối năm, là do các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới.
Ở trong nước, các DN cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021. Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Cũng bình luận về những dự báo này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp. “Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, số người được tiêm chủng ở Việt Nam vẫn khá thấp. Điều này đặt ra thách thức trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Việt Nam.
“Từ nay đến cuối năm, ít nhất chúng ta phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 tiếp tục để có thể 70-80% dân số được tiêm vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng, có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh để ổn định sản xuất”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong gần nửa chặng đường của năm 2021, Việt Nam đã có nhiều thị trường giao thương đầy lạc quan, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỉ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỉ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỉ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỉ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỉ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỉ USD, tăng 7,7%...