Kinh tế APAC ‘quay xe’?

THẾ TUẤN 17/09/2023 07:36

Ngày 15/9, theo bình luận của tờ Fiancial Times, dù lạm phát được kiềm chế đáng kể tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng giới chuyên gia tài chính quốc tế vẫn lo ngại khi nhìn về những tháng còn lại của năm 2023.

Lượng khách quốc tế qua sân bay Narita của Nhật Bản phục hồi chậm.

Ông Christopher Waller - quan chức cao cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói, Fed đã đánh giá cẩn thận những yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương (APAC), ghi nhận động thái tích cực trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Điều này có ý nghĩa hơn khi kinh tế toàn cầu được cho là chỉ tăng 2,1% trong năm 2023 so với dự báo hồi đầu tháng 7 là 3,2%.

Ông Boris Vujcic - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Croatia cho biết, mức tăng trưởng của khu vực đồng euro yếu hơn so với dự kiến. Nền kinh tế chậm lại hơn đáng kể dẫn tới việc các quốc gia EU cần chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ. Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực đồng euro trong tháng 8 vẫn ở mức 5,3%, cao gấp hơn 2 lần so với mức mục tiêu. Trước đó, mức lạm phát tháng 7 là 6,6%. Các chuyên gia tài chính được Reuters thăm dò dự đoán ECB sẽ phải điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào cuối tháng 9, nhất là nước Đức - quốc gia đầu tàu kinh tế khu vực 27 quốc gia thành viên EU đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái.

Nhìn chung, lạm phát các quốc gia APAC trong năm nay được đưa ra ở mức trên dưới 5,5%.

Tiến sĩ Steven Cochrane (Công ty phân tích tài chính Moody's, Mỹ) bày tỏ lo ngại khi cho rằng, những tháng còn lại của năm 2023 rất có thể tăng trưởng của khu vực APAC chậm lại, nói cách khác là đảo chiều “quay xe”. Bằng chứng là vụ thu hoạch lúa ở nhiều quốc gia vốn có sản lượng trồng lúa lớn lại không đạt hiệu suất cao. Trong khi đó, biến động giá dầu thô trên thị trường thế giới “ngày một khó chịu”: Nếu như giữa tháng 6 giá dầu thô vào khoảng 75 USD/thùng, tới đầu tháng 9 đã là khoảng 86 USD/thùng bất chấp nhiều phiên tụt giá, cho thấy rất có thể sẽ lên tới 100 USD/thùng trước khi năm 2023 kết thúc.

Đó là những yếu tố có thể khiến lạm phát tăng trở lại. “Có một thực tế là lạm phát giảm vào năm 2021, nhưng rồi đã đảo ngược vào năm sau. Vì vậy cần hết sức thận trọng khi nói rằng năm 2023 APAC đã giải quyết được vấn đề lạm phát" - ông Steven nói.

Trong khi đó, một thực tế đáng lo ngại là dù gần như toàn bộ các nước khu vực APAC đã mở cửa nhưng du lịch hàng không quốc tế vẫn chưa khôi phục như trước dịch Covid-19, trong khi xuất khẩu lại đang gặp nhiều thách thức.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tới giữa tháng 9/2023, khu vực APAC chỉ đạt mức phục hồi trên 60%. IATA dẫn số liệu lượng khách đi/đến tại sân bay Changi (Singapore), Kingsford Smith (Sydney, Australia), Incheon (Hàn Quốc), Narita (Nhật Bản) cho thấy mức độ phục hồi cao nhất cũng dừng lại ở con số 75% so với cùng thời điểm năm 2019.

Báo cáo của Công ty phân tích Moody's, cho rằng du lịch phục hồi chậm, xuất khẩu suy giảm cộng với những tác động toàn cầu khiến cho kinh tế APAC chuyển mình khó khăn hơn. Không rơi vào suy thoái nhưng những tháng còn lại của năm 2023 kinh tế khu vực APAC rất nhiều khả năng tiếp tục tăng chậm lại khi mà tổng giao dịch thương mại hầu như không tăng kể từ tháng 5.

Khu vực kinh tế APAC bao gồm 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, được đánh giá là trỗi dậy mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với chính sách mở cửa sớm cũng như đẩy mạnh du lịch, xuất khẩu. Hầu hết các ngân hàng trung ương APAC đều đặc biệt linh hoạt trong việc điều hành tỉ giá, trong đó có việc đẩy mạnh bơm ra dòng vốn cho vay lãi suất thấp, trong khi lại tăng lãi suất tiền gửi. Điều đó được giới chuyên gia tài chính đánh giá cao, tuy nhiên cũng không thể chống chọi được trước việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng rất ì ạch. Đặc biệt, nhiều nước châu Á lại phải chịu đựng một mùa hè khốc liệt kỷ lục khi nhiệt độ cao kéo dài cũng như bão lũ nặng nề. Điều đó dẫn đến mùa màng thất bát, nhiều quốc gia thiếu gạo trong khi một số quốc gia khác áp dụng chính sách bảo đảm an toàn lương thực trong nước bằng cách cấm xuất khẩu hoặc mua vét gạo để dự trữ, khiến giá cả tăng cao khoảng 25%, tính từ đầu năm đến ngày 15/9.

“Nếu như thế giới đã lạc quan trước việc 8 tháng đầu năm tăng trưởng của khu vực APAC thì nay đã thận trọng hơn. Mà điều đó sẽ tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu. Hiện tượng kinh tế APAC “quay xe” cho thấy còn cần nhiều nỗ lực thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt là vai trò bơm vốn của các ngân hàng trung ương. Một điểm đáng chú ý nữa là khi xuất khẩu khó khăn, nhiều quốc gia đã quay lại với tiêu thụ hàng hóa ở thị trường trong nước. Nhưng thực tế cho thấy sức mua nội địa thấp nên cũng rất khó để tăng trưởng” - tiến sĩ Steven Cochrane nhận xét và cho rằng GDP năm 2023 của khu vực này sẽ dừng ở mức 4 - 4,5% thấp hơn so với dự báo trên dưới 6% hồi tháng 7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế APAC ‘quay xe’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO