Kinh tế châu Âu lao dốc sau hàng loạt vụ khủng bố

02/08/2016 09:35

Châu Âu đã chứng kiến nhiều vụ tấn công kinh hoàng nhằm vào Nice (Pháp), Brussels (Bỉ) hay vùng Bavaria của Đức… Hàng loạt những sự kiện đẫm máu xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn dường như đã khiến châu lục này trở thành nỗi khiếp đảm của những người từng coi đây là thiên đường du lịch.

Kinh tế châu Âu lao dốc sau hàng loạt vụ khủng bố

Sự trỗi dậy của khủng bố ở châu Âu đã đẩy nền kinh tế châu lục này trên đà suy giảm. (Nguồn: Nytimes).

“Thiên đường du lịch” vắng khách

Sự trỗi dậy của hàng loạt các vụ tấn công đậm chất khủng bố ở châu Âu thời gian gần đây đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự ổn định được giữ vững suốt nhiều thập kỷ qua của châu lục này. Trong lúc giới lãnh đạo châu Âu phải đối mặt với thách thức chưa từng có, thì nền kinh tế của châu lục này đang dần suy giảm như một ảnh hưởng từ tình trạng bạo lực.

Tại Mont-Saint-Michel, một địa điểm từng hút khách du lịch bậc nhất của nước Pháp, công việc làm ăn của Sodetour Group, một chuỗi các khách sạn và nhà hàng địa phương, đã giảm tới 70% trong nhiều tháng kể từ sau vụ tấn công liên hoàn đẫm máu ở thủ đô Paris.

Du khách Mỹ và Nhật chiếm phần đông trong số các du khách hủy chuyến tới đây, dù cho nó nằm ở vị trí biệt lập ở bờ biển phía Tây bắc của Normandy, cách xa thủ đô Paris. Ông Gilles Gohier, giám đốc điều hành Sodetour Group, cho hay ông đã phải cho 2/3 tổng số 230 nhân viên của mình nghỉ việc trong vài tháng, và tạm thời đóng cửa 5 khách sạn và 4 nhà hàng trong chuỗi.

Pháp, nền kinh tế đứng thứ ba EU chỉ sau Anh và Đức, đang vất vả để vùng dậy từ tình trạng thất nghiệp cao và sự trì trệ thì bỗng chốc lại trở thành nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng bất ổn. Trước đây, Pháp là quốc gia điểm đến thu hút du khách nhất ở châu Âu, với 84 triệu lượt khách hồi năm ngoái. Nhưng sau sự kiện đẫm máu ngày 13/11/2015, động lực này đã suy giảm mạnh.

Sau sự kiện ngày 13/11/2015, mức tăng trưởng đặt phòng ở các khách sạn trên khắp nước Pháp đã giảm từ 20% (năm 2015) xuống chỉ còn 1 con số. Sau vụ đánh bom ở Brussels, và vụ thảm sát ở Nice, con số này còn tiếp tục giảm mạnh hơn, theo Expedia, website du lịch toàn cầu.

Ở Bỉ, nơi các tay súng của IS từng đánh bom sân bay Brussels và trạm tàu điện ngầm hồi tháng Ba vừa qua khiến 32 người thiệt mạng, nền kinh tế đã chịu thất thoát lên đến 1 tỷ Euro trong lĩnh vực kinh doanh và thuế. Hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các khách sạn, nhà hàng và các địa điểm du lịch.

Mới tuần trước, chính phủ Đức cũng cho hay đất nước họ đã trở thành một mục tiêu của IS sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào thường dân. Các công ty du lịch lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ không còn an toàn, trong khi giới kinh tế học cho rằng chi tiêu dành cho tiêu dùng ở nước này có thể giảm mạnh trong các tháng tới do người dân Đức lựa chọn ở trong nhà nhiều hơn.

Đà tăng trưởng suy giảm

Tất cả những vụ tấn công trên đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của châu Âu ở một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của họ - Du lịch.

Năm nay, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro đã trở về con số chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần trước ra báo cáo rằng, động lực kinh tế đã giảm trong quý II năm nay khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,3% trong khoảng từ tháng Tư đến tháng Sáu, giảm 0,6% so với quý trước. Pháp đứng đầu trong danh sách suy giảm đà tăng trưởng, với tỷ lệ tăng trưởng 0% so với quý trước.

Tình trạng bất ổn đã tăng cao trong những tháng gần đây khi những kẻ khủng bố điên cuồng tấn công châu Âu. Giới đầu tư tuy chưa ngoảnh mặt với châu lục này, nhưng du khách thì khác, họ không còn coi châu Âu là trung tâm du lịch như trước đây nữa. Và ngành du lịch - đóng góp tới 10% nền kinh tế của EU - đã bắt đầu cảm thấy hậu quả.

Chính phủ các nước châu Âu, trong bối cảnh đó, lại đang buộc phải chi hàng trăm tỷ Euro để tăng cường an ninh nội địa và các chiến dịch chống lại IS, bất chấp việc Brussels kêu gọi các nước cắt giảm thâm hụt thương mại.

Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố còn khiến cho khu vực này thêm phần phức tạp, khi vừa phải thắt chặt an ninh vừa phải đối phó với cuộc khủng hoảng di cư vẫn chưa chấm dứt và việc Anh rời khỏi EU. Bởi vậy mà hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Trung Quốc mới đây đã nhấn mạnh rằng các cuộc xung đột địa chính và chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.

Để duy trì lực lượng lính canh tại dọc bờ sông Seine, chính phủ Pháp phải chi tới 1 triệu Euro mỗi ngày, chưa kể họ đã từng cam kết chi 816 triệu Euro trong năm nay để thắt chặt an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế châu Âu lao dốc sau hàng loạt vụ khủng bố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO