Các con số chính thức được công bố trong hôm 30/11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ tháng 1/2009, và là bằng chứng chỉ ra rằng sự phục hồi kinh tế trên khắp khu vực này đang len lỏi tới thị trường lao động.
Ảnh minh họa.
Eurostat, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), cho hay tỷ lệ thất nghiệp ở 19 quốc gia thuộc khối Eurozone đã giảm xuống 8,8% trong tháng 10, từ mức 8,9% so với tháng trước đó. Đây là mức thấp nhất tính từ tháng 1/2009, khi mà nền kinh tế khu vực này, cũng như toàn thế giới, chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và lao vào suy thoái.
Nhưng dù Eurozone đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ, tỷ lệ lạm phát lại không gia tăng như đã được dự báo. Eurostat cho hay tỷ lệ lạm phát ở Eurozone trong tháng 11 chỉ là 1,5%. Dù đã tăng từ mức 1,4% trong tháng 10, nhưng nó vẫn thấp hơn so với các dự báo trước đó là 1,6%.
Giới chuyên gia nhận định, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2008 đến nay, tăng trưởng bình quân của Eurozone chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), kinh tế Eurozone đã đạt mức tương đương với giai đoạn 1999-2000. Tăng trưởng thực tế diễn ra hơn cả mong đợi của thị trường đã tạo ra bất ngờ.
Thực tế này cũng được đánh giá phù hợp với xu hướng chung của thế giới khi thương mại toàn cầu cũng gia tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ 6 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, một điều rất tích cực là các "cỗ máy" kinh tế châu Âu đều theo đà tăng trưởng này.
Hồi trung tuần tháng 11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng sự chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa 19 nước thành viên Eurozone đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong một khu vực mà các quốc gia có lượng trao đổi thương mại nội bộ với nhau chiếm tỷ trọng rất lớn thì nền kinh tế của một thành viên sẽ ảnh hưởng tới các thành viên còn lại.