Kinh tế

Kinh tế năm 2024: Vững đà bước tiếp

H.Vũ (thực hiện) 23/01/2024 15:40

Năm 2023 được đánh giá là năm nỗ lực không ngừng của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tạo đà nhảy vọt cho năm 2024. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đã trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.

anhonghieu21-1.png
TS Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Thưa ông, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành quả quan trọng nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2023 nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng. GDP tăng trưởng 5,05% trong khi các quốc gia trên thế giới tăng trưởng thấp hơn nhiều. Mặc dù so với mức bình quân trong 15 năm qua, mức 5,05% là thấp, bởi có những giai đoạn chúng ta tăng trưởng 7-8%, thậm chí còn cao hơn. Nhưng mức tăng trưởng 5,05% là nền kinh tế chịu hậu quả thời “hậu Covid-19”, cũng như chịu tác động lớn của nền kinh tế thế giới. Theo tôi, tuy không đạt mức đề ra 6-65% nhưng đạt 5,05% cũng là mức tăng trưởng ấn tượng.

Bên cạnh đó, kiểm soát lạm phát ở mức tốt với 3,25%. Đầu tư công được đẩy mạnh, nhất là trong những tháng cuối năm 2023. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao.

Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 tương đối ổn định, không có khủng hoảng lớn như lạm phát bùng nổ, thất nghiệp hàng loạt. Tôi cho rằng đó chính là những kết quả khả quan, ấn tượng để tạo tiền đề phát triển cho năm 2024.

Theo ông kết quả đó để lại những bài học kinh nghiệm gì? Và thành công là do đâu?

- Thứ nhất, do sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam rất tốt. Có thể bị khủng hoảng, va đập, khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam có sức bền bỉ, chịu đựng được trước các cú sốc lớn.

Thứ hai, dân số của Việt Nam đông và trẻ. Nền kinh tế trẻ và người lao động trẻ thường có khả năng vượt qua khó khăn dễ dàng hơn nền kinh tế già như châu Âu, Nhật Bản, Đức. Đó là các nền kinh tế ổn định nhưng khi gặp cú sốc rất khó xoay sở.

anhtobaitren.jpg
Thị trường trong nước với 100 triệu dân giàu tiềm năng để khai thác. Ảnh: Quang Vinh.

Ông đánh giá như thế nào về sự điều hành nền kinh tế của Chính phủ trong năm 2023?

- Sự nỗ lực của Chính phủ là điều chúng ta đã thấy rõ. Từ đầu năm Chính phủ đã ra nhiều quyết định về tài chính, trái phiếu, thúc đẩy đầu tư công trong cả năm, sâu sát trong chính sách tiền tệ. Giảm lãi suất ngân hàng để giúp các doanh nghiệp (DN) giảm chi phí. Sự cố gắng, nỗ lực đó mang lại những thành quả, nỗ lực lớn.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nỗ lực đồng hành cùng với Chính phủ như việc giảm thuế VAT. Vừa qua có thể thấy Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là các luật được cho ý kiến vào cuối năm 2023, nhưng ngay sau đó đã được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra đầu năm 2024.

Nhiều ý kiến cho rằng năm 2024 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, cá nhân ông thấy thách thức gì là lớn nhất?

- Năm 2023 dẫu tăng trưởng của ta ở mức cao so với nhiều nước, tuy nhiên số DN rời khỏi thị trường lớn. Bình quân mỗi tháng có hơn 14 nghìn DN đăng ký đóng cửa. Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhưng số DN phá sản nhiều, gặp khó khăn trong vay vốn. Nên mới có tình trạng ngân hàng thì thừa vốn, còn DN thì thiếu vốn.

Việt Nam cần phải đi sâu hơn nữa vào nền kinh tế thị trường. Tận dụng việc nâng quan hệ với các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện để phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Năm 2024, cần điều hành ổn định, tránh điều chỉnh đột ngột gây hoang mang, làm cho thị trường trở nên bất ổn. Năm 2024 tình hình tài chính thế giới ổn định hơn khi Hoa Kỳ có thể giảm lãi suất, có lợi cho chính sách tiền tệ và thị trường tài chính của Việt Nam.

Về phía nội tại của nền kinh tế để phát triển khả quan, theo tôi Chính phủ cần tập trung hỗ trợ các DN vừa và nhỏ. Năm 2024 cần quan tâm đến Quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm, sức khoẻ của các DN vẫn còn yếu vì thế cần có biện pháp cụ thể thực tế hỗ trợ các DN.

Bên cạnh đó, xem lại các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn trước thực hiện như thế nào, nhất là 2 gói tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho bất động sản; rồi gói hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền 40 nghìn tỷ đồng vẫn gặp khó khăn trong giải ngân. Đây là vấn đề cần đánh giá, xem xét, điều chỉnh để thực hiện phù hợp với thị trường hơn.

Điều quan trọng là phải kích cầu. Chúng ta cần quan tâm tới thị trường trong nước, thị trường lớn với gần 100 triệu dân. Quan tâm thị trường này sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Vì khi xuất khẩu gặp khó thì thị trường nội địa chính yếu tố giúp tăng tiêu dùng trong nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội:

Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài

Có thể nói với những kết quả đạt được trong năm 2023 và những chỉ đạo trong công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, năm 2024 kinh tế sẽ đạt kết quả khả quan hơn và tốt hơn. Cần quan tâm đến yếu tố về đầu tư nước ngoài, FDI vẫn là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế của nước ta. Chúng ta cần thiết lập một chính sách ổn định nhằm thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần để thu hút đầu tư mới, vừa để tăng cường mở rộng tái đầu tư. Bên cạnh đó, phải có những chính sách ưu đãi nhất định để kịp thời giữ chân cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế năm 2024: Vững đà bước tiếp