Ở các nước trên thế giới, việc rà soát dòng tiền rất đơn giản thông qua việc in sao kê. Các hoạt động thanh toán trong mua, thuê nhà, mua cổ phiếu giá trị lớn, hầu hết đều được thực hiện qua ngân hàng, nên cơ quan quản lý dễ kiểm soát việc có cá nhân hay DN nào trốn thuế hay không.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng đã có cuộc trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về lợi ích của nền kinh tế phi tiền mặt.
PV: Thưa ông, thành quả về thanh toán không dùng tiền mặt những năm qua khá khả quan, nhưng trên thực tế, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế vẫn còn ở mức khá cao, trên 10%. Theo ông làm cách nào để giảm tỷ lệ này xuống dưới 1 con số (8% là mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 -2021)?
Ông Đinh Thế Hiển: Tôi nghĩ rằng, muốn thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt ở người dân cần phải tiến hành từng bước. Hiện nay tỷ trọng thanh toán bằng thẻ trong tổng phương tiện thanh toán tăng lên cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Nhìn chung hoạt động thanh toán không tiền mặt đã tăng nhiều.
Vấn đề thanh toán đang được cải thiện khi người sử dụng điện thoại smart phone ngày càng phổ biến, có thể thanh toán 24/24.
Tại các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ chiếm khoảng 3/4 tổng mức bán lẻ của Việt Nam, đây là nơi lưu thông lượng tiền mặt rất lớn. Theo ông, có cần quy định rõ là phải ứng dụng các biện pháp thanh toán không tiền mặt tại các điểm này?
- Tôi cho rằng, dần dần cái gì tiện lợi thì người dân sẽ tự làm. Ví dụ như đi chợ mua bánh xà phòng mà được thanh toán qua điện thoại thì người dân cũng sẽ thực hiện. Nếu như bây giờ các siêu thị, nhà hàng cũng có thể đưa ra quy định, với khoản mua hàng nào trên 5 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng, qua thẻ… thì người dân cũng sẽ thực hiện.
Từ thực tế sử dụng tiền mặt trong thanh toán có thể thấy rất nhiều việc cần phải tiếp tục làm trong thời gian tới. Ví dụ, cần quy định các khoản thanh toán trong nền kinh tế từ 100 triệu đồng trở lên phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Hay như giao dịch bất động sản cũng không tiền mặt? Thưa ông, kỷ cương và kỷ luật thanh toán phải được nâng cao hơn nữa?
-Mọi thanh toán liên quan đến nhà đất, trái phiếu, đầu tư mà không qua ngân hàng là sẽ rất bất tiện và là điểm hạn chế nhất. Xu hướng của người dân khi bán nhà, hoặc những tài sản lớn, thì thường kê khai giá trị thấp hơn để phải nộp thuế ít đi. Như vậy nếu bắt buộc các khoản thanh toán nhà đất, bất động sản, chứng khoán đều phải qua ngân hàng, cơ quan thuế có thể truy được và xem xét để truy xuất nếu có nghi vấn gian lận.
Thực tế, số tiền chuyển đi chuyển lại từ hoạt động đầu tư hiện nay rất nhiều. Nên tôi cho rằng, các hoạt động thanh toán này phải qua ngân hàng. Chẳng hạn ở Mỹ, mỗi lần muốn thực hiện chuyển tiền trên 10.000 USD là phải chứng minh nguồn gốc của khoản tiền đó. Như vậy là để tránh hiện tượng rửa tiền.
Thanh toán qua ngân hàng giúp minh bạch dòng tiền, qua đó Chính phủ, cơ quan Thuế dễ dàng rà soát được nguồn gốc dòng tiền, đảm bảo tính pháp lý khi thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 28/10, trong đó Chính phủ có yêu cầu NHNN nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia? Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
-Theo tôi, tiền số hóa hay tiền in giấy khi dùng công cụ hiện đại để thanh toán cũng là hướng tới số hóa. Ở đây, tiền kỹ thuật số cũng là tiền do ngân hàng trung ương phát hành nhưng do số hóa nên giảm được chi phí in ấn, bảo quản. Song tôi cho rằng, hiện tại đề cập vấn đề này hơi sớm, nên làm từng bước, đi nhanh quá sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền tiền tệ hay có thể làm giảm niềm tin về đồng tiền của người dân.
Kinh tế 4.0 là tất yếu, số hóa nhưng phải nghiên cứu kỹ lưỡng về tiền kỹ thuật số. Chúng ta vẫn phải tập trung nâng giá trị đồng tiền, các ngân hàng phải cùng thực hiện chủ trương trong việc giảm thuế phí ngân hàng để người dân cảm thấy thuận tiện trong việc sử dụng công cụ thanh toán qua ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn ông!