Kinh tế thế giới và 'con đường đầy ổ gà'

Hà Anh 19/10/2023 06:53

Kinh tế thế giới đang đi trên một con đường đầy “ổ gà” địa chính trị và thương mại, trong khi các quốc gia, công ty và người tiêu dùng phải đối mặt với thời kỳ khó khăn hơn.

Quá trình phi toàn cầu hóa sẽ làm cho nền kinh tế kém hiệu quả hơn. Ảnh: AP.

Suy thoái kinh tế, đại dịch toàn cầu và xung đột vũ trang bùng nổ đã ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Theo các chuyên gia, sự kết thúc của kỷ nguyên toàn cầu hóa là điều tiêu cực đối với kinh tế thế giới. Căng thẳng địa chính trị đã tạo ra các mức thuế mới và các chính sách công nghiệp mang tính dân tộc chủ nghĩa. Nhìn chung, quá trình phi toàn cầu hóa sẽ làm cho nền kinh tế kém hiệu quả hơn.

Đảo chiều thương mại

Toàn cầu hóa đã có một bước tiến đáng kinh ngạc. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong 7 thập kỷ qua, kinh tế thế giới tăng trưởng gấp 14 lần, nhờ sự mở rộng gấp 45 lần thương mại toàn cầu. Quá trình đó mang lại lợi ích rõ rệt cho các nước đang phát triển, với tỷ trọng trong sản lượng toàn thế giới tăng từ 24% trong những năm 1980 lên hơn 43% vào năm 2020. Trong khi đó, các nền kinh tế giàu có được hưởng kỷ nguyên sản xuất chi phí thấp, hàng tiêu dùng rẻ hơn và lạm phát không đáng kể.

Tuy nhiên, trong 15 năm qua, quá trình đó đã bị đình trệ. Theo Cục Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan, thương mại thế giới tính theo GDP đạt đỉnh 61% vào năm 2008. Tháng 7 năm nay ghi nhận mức giảm hằng năm lớn nhất trong gần ba năm.

Mặc dù sự đảo chiều thương mại bắt đầu trong thời kỳ suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các yếu tố khác đang dựng lên những rào cản mới. Cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra năm 2018 đang làm vấn đề trở nên phức tạp hơn. Những người lạc quan chỉ ra rằng, bất chấp thuế nhập khẩu được triển khai kiểu ăn miếng trả miếng, dòng chảy thương mại Mỹ- Trung vẫn đạt mức kỷ lục 691 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, con số kỷ lục này còn xuất hiện một phần do lạm phát làm tăng giá cả và ẩn chứa những thay đổi lớn trong cơ cấu thương mại.

Theo giới chuyên gia kinh tế, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm từ 21,6% xuống 16,5% trong giai đoạn 2017 - 2022 và hiện trở lại mức của năm 2007.

Sự cảnh giác trước việc quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp xuyên biên giới cũng đang tạo ra các chính sách công nghiệp quốc gia mới. Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD năm ngoái và Đạo luật Khoa học và Chips trị giá 53 tỷ USD đã đưa Mỹ dẫn đầu cuộc chạy đua trợ cấp để thu hút đầu tư công nghệ, tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và cải tổ cơ sở sản xuất trong nước đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, Trung Quốc hỗ trợ sản xuất xe điện, các công ty lớn trong nước như nhà sản xuất ô tô BYD và nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sự đảo ngược gần như hoàn toàn của tiến trình toàn cầu hóa sẽ khiến nhập khẩu thế giới giảm 30%. Nhưng việc cắt giảm có thể diễn ra từ từ, dẫn chứng là thương mại toàn cầu vẫn chiếm 57% GDP thế giới trong năm ngoái. Nhưng thực tế này đã làm nổi bật “chân dung một số người chiến thắng mới”.

Những bên hưởng lợi

Khi tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm, các quốc gia khác không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào chuỗi cung ứng. Theo nghiên cứu của các học giả Laura Alfaro và Davin Chor, các ngành xuất khẩu của Mexico được hưởng lợi khi Mỹ sẵn sàng hơn trong việc thu hút thêm hàng hóa từ các quốc gia gần gũi về mặt địa lý hoặc chính trị. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, Mexico xuất khẩu tốt phụ tùng ô tô, thủy tinh và thép.

Việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đẩy giá năng lượng, kim loại và nguyên liệu thô tăng cao. Theo nhà nghiên cứu Dario Perkins của hãng phân tích thị trường GlobalData TS Lombard, khi các công ty và quốc gia lựa chọn nhà cung cấp dựa trên sự gần gũi về địa lý và chính trị hơn là giá cả, các quốc gia sản xuất hàng hóa ở Mỹ Latin, cụ thể là Mexico, Chile và Brazil, có thể được hưởng lợi. Ông dự đoán rằng, quá trình phi toàn cầu hóa cùng việc đầu tư vào năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu sẽ tạo ra một “siêu chu kỳ” mới, giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng trong dài hạn.

Các công ty trong ngành được ưu đãi và nhân viên của họ cũng được hưởng lợi từ các chính sách công nghiệp. Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, số lượng các nhà máy bán dẫn ở Mỹ tăng trung bình 0,5%/năm từ 2012 đến 2017, việc làm giảm 0,4%. Trong 5 năm tiếp theo, số lượng nhà máy sản xuất chip và các cơ sở tương tự tăng 2,9% mỗi năm trong khi việc làm tăng 1,9%.

Tuy nhiên, về tổng thể, một nền kinh tế thế giới bị phân mảnh sẽ khiến nhiều công ty và người tiêu dùng khó khăn hơn. Cổ đông và chủ nợ của các công ty toàn cầu có thể bị thiệt hại nếu toàn cầu hóa suy thoái. Theo ông Perkins, 40% giá trị thương mại của Mỹ trong tay các công ty đa quốc gia và chi nhánh nước ngoài của họ.

Người tiêu dùng cũng sẽ khó khăn nếu phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa. ECB ước tính, lạm phát toàn cầu có thể tăng 8,4% nếu tiền lương tăng vọt do chi phí sản xuất cao hơn, hoặc tăng 1,8% nếu mức tăng lương ít hơn. Mức lương cao hơn thậm chí có thể không bù đắp đủ cho người lao động vì lạm phát tăng.

Nền kinh tế thế giới đang đi trên “một con đường đầy ổ gà” trong khi các quốc gia, công ty và người tiêu dùng phải đối mặt với một chặng đường gập ghềnh hơn.

Theo WTO, khối lượng thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,8% trong năm 2023, so với ước tính đưa ra hồi tháng 4 là 1,7%. Trong năm 2024, thương mại hàng hóa được dự báo tăng trưởng 3,3%, không thay đổi nhiều so với ước tính hồi tháng 4 là 3,2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế thế giới và 'con đường đầy ổ gà'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO