Với năm 2020, một năm đặc biệt với thế giới khi phải quay cuồng chống dịch Covid-19 và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việc đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ cho đất nước là rất quan trọng.
1. Theo dự kiến, ngày 20/10 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ họp kỳ thứ 10. Đây cũng là kỳ họp rất quan trọng. Quan trọng không chỉ ở việc tổng kết một năm hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, đưa ra những định hướng, những chỉ tiêu cho năm kế hoạch tiếp theo mà còn quan trọng bởi sẽ có những báo cáo tư pháp cũng sẽ được xem xét trong kỳ họp này. Nhưng, với năm 2020, một năm đặc biệt với thế giới khi phải quay cuồng chống dịch Covid-19 và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việc đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ cho đất nước là rất quan trọng.
Trong Hội nghị Trung ương 13 khóa XII vừa kết thúc hôm 9/10, Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình Trung ương các báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2021 - 2023. Như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc hôm 5/10 thì: Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách nhà nước lần này được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động lớn, đột xuất, hết sức nhanh chóng, phức tạp, chưa thể dự báo hết được khi xây dựng kế hoạch phát triển năm. Sự bùng phát, lây lan chưa rõ hồi kết của đại dịch Covid-19 đã và đang làm trầm trọng thêm xu hướng suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã được cảnh báo từ trước, có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929 - 1933 đến nay; ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng của nước ta. Trong khi đó, năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và năm 2021 là năm mở đầu Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Sau nhiều ý kiến trái chiều, Luật Giao thông đường bộ vẫn được tách thành hai dự án luật mới để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp gần nhất và việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ do Bộ Công an phụ trách. Đó là một trong những vấn đề có thể nhận được sự quan tâm cao của ĐBQH và cử tri tại kỳ họp thứ 10.
Hồ sơ dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được gửi đến Quốc hội. Đây là dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song song với Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì soạn thảo.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều. Theo Tờ trình dự án Luật, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án. Trong đó, theo phương án 1, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn với phương án 2, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Theo Tờ trình Dự án Luật, Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1.
Chính phủ khẳng định, trình Quốc hội phương án này để bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản. Trước đó, sau khi xem xét cả hai dự luật tại phiên họp tháng 9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu bổ sung đánh giá tác động của việc tách giao thông đường bộ thành hai luật và việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an để bảo đảm tính thuyết phục cao hơn khi trình Quốc hội.
“Trách nhiệm về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, song cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ là một luật chuyên ngành, có 4 chế định chính là 4 phạm vi điều chỉnh, gồm kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người điều khiển giao thông và quy tắc giao thông. Nếu tách 4 yếu tố này sẽ phá vỡ kết cấu hệ thống giao thông. Hơn nữa, trật tự an toàn giao thông chỉ là mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật Giao thông đường bộ, chứ không phải là đối tượng điều chỉnh. Nếu tách thành hai luật sẽ có hệ lụy là hệ thống đường bộ chỉ còn là công trình giao thông đường bộ và về mặt quản lý nhà nước, công trình giao thông đường bộ lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
Đối với thẩm quyền đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, một số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chưa đồng tình. Ông Hùng cho rằng, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thời gian qua có nhiều bất cập, nên đề xuất chuyển cơ sở đào tạo, sát hạch sang Bộ Công an quản lý là không phù hợp, cần làm sáng tỏ các căn cứ chuyển thẩm quyền này.
Như vậy, tại kỳ họp này, Quốc hội và các ĐBQH sẽ cần bàn thảo để đi đến thống nhất một vấn đề quan trọng liên quan tới sinh mạng của người dân. Bộ nào quản lý việc sát hạch lái xe, dân chưa chắc đã quan tâm nhiều; nhưng việc khắc chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ tai nạn giao thông là điều mà ai cũng quan tâm; trong bối cảnh từ năm 2009 đến nay, ở Việt Nam đã xảy ra 334.901 vụ tai nạn giao thông, làm chết 101.810 người (trung bình mỗi năm có gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 336.094 người.
3. Trong kỳ họp Quốc hội sẽ dự kiến khai mạc sau 10 ngày nữa, công tác xây dựng luật, pháp lệnh; việc xem xét các báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng sẽ là những nội dung quan trọng, được chú ý.