Sáng 20/5, tại xã Yến Dương, UBND huyện Ba Bể đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể gắn với hoạt động trải nghiệm tại vườn bí.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Thị Minh Hoa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Từ Đông Điền, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đại diện các công ty thương mại, dịch vụ, HTX, nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh…
Hội nghị này nằm trong chuỗi những sự kiện “Tuần Văn hoá-Du lịch Bắc Kạn nhằm tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá lợi thế của huyện Ba Bể với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội nghị khái quát về bức tranh vùng sản xuất sản phẩm bí xanh thơm hiện nay của huyện Ba Bể cũng như tiềm năng, lợi thế, giá trị kinh tế của sản phẩm, định hướng phát triển trong thời gian tới. Bí xanh thơm Ba Bể là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh diện tích gần 200ha, sản lượng gần 6.500 tấn quả. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, trong đó có 03 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 02 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Quả bí có mùi thơm đặc trưng như mùi thơm của gạo nếp cái hoa vàng. Trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,5 - 3kg mỗi quả. Khi đến kỳ thu hoạch, vỏ bí có màu xanh đậm hoặc xanh phủ phấn trắng, thịt quả đặc, có màu xanh phớt, khi chế biến có độ dẻo, vị đậm, mùi thơm hấp dẫn khác biệt so với bí xanh ở các vùng miền khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng
Tại Hội nghị đại diện các doanh nghiệp, HTX, thương nhân trong và ngoài tỉnh đã đánh giá cao tiềm năng, giá trị của bí xanh thơm Ba Bể cũng như được trồng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng như Bắc Kạn. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu sạch đầy tiềm năng đối với nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo xu thế hiện nay. Các doanh nghiệp mong muốn có sự bắt tay hợp tác hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh: “Bí xanh thơm là sản phẩm đặc sản của Ba Bể. Hiện nay nguồn gen quý của giống này đang được phục tráng, bảo tồn bằng đề tài khoa học. Từ giá trị thực tế của quả bí đem lại gấp 10 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích, để phát triển hơn nữa sản phẩm lợi thế này, các ngành, địa phương cần triển khai các bước tiếp theo, không chỉ dừng lại ở diện tích 200 ha mà còn mở rộng lên con số hàng nghìn ha. Huyện Ba Bể và các sở ngành tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất, giữ bằng được chất lượng giống. Nếu mất đi dòng đặc tính riêng thì bí xanh Ba Bể không còn mùi thơm, sẽ giống bí xanh của nơi khác. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không nên dừng lại ở bán sản phẩm tươi mà còn hướng tới đa dạng các sản phẩm từ chế biến đáp ứng nhu cầu của thị trường như trà, sản phẩm làm đẹp. Hình thành vùng trồng gắn với trải nghiệm du lịch. Kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất đến với địa phương. Đối với người sản xuất cần tuân thủ nghiêm quy trình, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch. Đề nghị các sở, ngành, huyện Ba Bể sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư cụm Công nghiệp Pù Mắt để tạo mặt bằng, đón các nhà đầu tư phục vụ mở rộng chế biến, sản xuất.
Hội nghị chứng kiến lễ ký kết 6 biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ bí xanh thơm, sản phẩm OCOP giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh huyện Ba Bể với các đơn vị sản xuất, tiêu thụ ngoại tỉnh. Hứa hẹn là sự khởi đầu thuận lợi, sự hợp tác phát triển có quy mô, định hướng rõ ràng trong việc kết nối sản xuất và kinh doanh, đưa các sản phẩm hàng hóa của huyện Ba Bể đến với thị trường toàn quốc và hướng tới xuất khẩu.