Bạo lực học đường, học sinh sử dụng chất cấm trong trường học bị phát hiện… Hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng nội quy trường học, gây ảnh hưởng xấu trong môi trường giáo dục cần được xử lý kịp thời trên tinh thần nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh.
Nghệ thuật kỷ luật học sinh
Vừa qua, 2 nữ sinh Trường THCS - THPT Võ Văn Kiệt (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) do mâu thuẫn trong lời nói, sau đó đã hẹn gặp tại nhà vệ sinh của trường để nói chuyện. Tại đây, 2 bên xảy ra xô xát và sự việc được các học sinh (HS) khác quay lại, tung lên mạng xã hội. Sau khi xem xét, Hội đồng kỷ luật HS của Trường đã tổ chức họp, trao đổi, quyết định hình thức kỷ luật đối với HS vi phạm nội quy nhà trường với các hình thức khác nhau tùy mức độ vi phạm: có em bị tạm dừng học ở trường 2 tuần; 1 tuần, 3 ngày; có em bị nhắc nhở.
Trong khi đó, tại huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk), 2 HS lớp 11 của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ bị nhà trường áp dụng hình thức buộc thôi học từ ngày 3/4 cho đến hết năm học 2023-2024. Lý do là dùng trái phép chất ma túy trong trường học. Gia đình 2 em sau đó đã có kiến nghị nhưng không được hiệu trưởng nhà trường gặp và lắng nghe nên cực chẳng đã phải phản ánh tới báo chí. Theo đó, 2 HS khi bị phát hiện hút thuốc lá điện tử trong nhà vệ sinh của trường đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Búk làm xét nghiệm và cho kết quả âm tính với chất ma túy. Gia đình HS sau đó cho biết, đã lên gặp hiệu trưởng với mong muốn được trình bày rõ sự việc nhưng hiệu trưởng không tiếp. Về phía nhà trờng, hiệu trưởng khẳng định không phải dương tính với chất ma túy mới kỷ luật, chỉ cần sử dụng đã bị kỷ luật.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, Hội đồng kỷ luật Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã họp để xem xét toàn bộ quy trình xử lý kỷ luật HS. Lãnh đạo nhà trường sau đó đã thu hồi quyết định kỷ luật cũ và ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi học 2 tuần với 2 HS này. Chính cha mẹ 2 HS cũng đồng tình với việc nhà trường xử lý hành vi hút thuốc lá điện tử, song hình thức kỷ luật buộc thôi học thời gian dài đến hết năm học là quá nặng và không tạo điều kiện để các em tiếp tục học tập, sửa chữa sai lầm.
Trên thực tế, đã có không ít vụ việc sử dụng chất cấm trong và ngoài trường học của các em HS bị phát hiện. Điều này không chỉ vi phạm nghiêm trọng nội quy, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà trường mà quan trọng hơn nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến HS.
Về phía nhà trường, việc kỷ luật HS có hành vi vi phạm quy định theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội là đúng nhưng cần căn cứ mức độ vi phạm, xem xét đó là vi phạm tức thời hay đã nhiều lần mắc lỗi để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp. Cần làm gương cho HS khác cũng như nhắc nhở chính các em không tái phạm việc làm sai này nữa là điều các nhà trường cần làm, nhưng cũng cần xử phạt theo hướng tạo điều kiện để các em được tiếp tục học tập thay vì buộc thôi học một thời gian quá dài có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em.
Chia sẻ và đồng hành
Theo TS Lê Thị Hương - Trung tâm UNESCO Khoa học nhân văn và cộng đồng, trong quá trình công tác đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ huynh nhờ tư vấn tâm lý cho con của mình. Trong đó, nhiều bạn trẻ sử dụng chất gây nghiện và ma túy. Bên cạnh việc sát sao, đồng hành cùng con, các phụ huynh cần phối hợp với nhà trường giáo dục HS hiểu sự nguy hiểm của loại ma túy, sức tàn phá cơ thể, tinh thần và trí óc của con người như thế nào.
Cần thường xuyên quan tâm tới những biểu hiện lạ của con em mình, trò chuyện để biết con đang chơi với những bạn nào, hoàn cảnh ra sao… để kịp thời ngăn chặn những hành vi lệch lạc với ở lứa tuổi HS. Các em còn quá trẻ, dễ bị bạn bè, người xấu lôi kéo lao vào thử các chất cấm chết người.
Chia sẻ về những vụ việc bạo lực học đường thời gian qua, chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hành vi bạo lực của trẻ ngày nay chính là hệ quả những hành vi bạo lực của trước hết là cha mẹ, giáo viên và người lớn ứng xử với trẻ trước đây khi trẻ còn nhỏ.
Muốn con không hành xử bạo lực, cha mẹ trước hết phải học cách quản lý cảm xúc của mình, phải ý thức rõ để tự học và tự thực hành kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Tương tự ở trường, giáo viên cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân để ứng xử với các em theo nguyên tắc kỷ luật tích cực. Theo đó, mục tiêu tốt nhất của kỷ luật tích cực là không kỷ luật mà đưa học sinh vào trạng thái kỷ luật, bầu không khí tâm lý tích cực.
“Chúng ta có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói một cách thông thường là làm gương, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu” - ông Nam phân tích. Khi người lớn chú ý đến điểm mạnh, hành vi tốt, trẻ cũng sẽ chú ý vào đó. Hành vi tốt tăng lên đồng nghĩa hành vi xấu giảm đi. Đấy là cách thức bền vững nhất để giảm hành vi xấu.
Trong một số tình huống, giáo viên vẫn cần phạt HS nhưng phải dựa trên hệ quả tự nhiên và logic. Việc dựa trên hệ quả tự nhiên phải đảm bảo đứa trẻ an toàn, được tôn trọng.