Kỹ năng lao động: Nâng tầm để tăng về chất

Dung Hòa 03/12/2022 09:00

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF, thời gian qua chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng. Tuy nhiên, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Đây chính là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất lao động.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, 22,5% bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao). Chất lượng lao lao động Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ (28,34%); vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61%).

Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN21. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.

PGS.TS Nguyễn Thị Thuận - chuyên gia của Bộ LĐTB&XH chia sẻ, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động nhưng có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. Đây đang là thách thức đối với lao động trẻ Việt Nam hiện nay, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, bà Thuận nhấn mạnh khuyến nghị, người lao động cần phải đào tạo từ gia đình, nhà trường, sau đó mới đến đào tạo ở doanh nghiệp.

Việc thiếu những kỹ năng chuyển đổi bao gồm kỹ năng mềm đang là thách thức đối với lao động trẻ Việt Nam hiện nay, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Đoàn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp công trình 478 (Hà Nội) cho rằng, kỹ năng mềm quyết định tới 75% sự thành công của người lao động. Kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất với người lao động là giao tiếp để người khác hiểu ý mình, phối hợp làm việc nhóm, tạo dựng mối quan hệ với đối tác... nhưng nhiều công nhân, người lao động không đáp ứng được.

Bà Lesley Miller - Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng khác để đáp ứng công việc.

Việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng, chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia. Để làm được điều này, Bộ LĐTB&XH đã đề ra các giải pháp trong thời gian tới: Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm; tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế - xã hội...

Tại Dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Bộ LĐTB&XH gửi xin ý kiến các bộ, ngành, mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động, ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, ngành nghề kinh tế trọng điểm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ năng lao động: Nâng tầm để tăng về chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO