Trong tất cả các kỹ năng mà con người khát khao học hỏi để trưởng thành, để tiến bộ, để mưu cầu hạnh phúc thì không có kỹ năng nào khó học hơn kỹ năng từ chối. Vì sao? Vì nó quá mong manh, dễ vỡ, dễ tổn thương nhưng lại vô cùng cao quý, vô cùng bền vững, vô cùng thành công nếu như ta đã học được nó, theo đuổi nó suốt đời.
Theo định nghĩa của “Đại Từ điển tiếng Anh, LongMan” (trang 1379, bản in năm 2003) thì: “Từ chối là nói không với những gì được mời mọc, được cám dỗ”. Còn theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Từ chối là không chịu nhận cái được dành cho hoặc được yêu cầu”. Thí dụ: Từ chối sự giúp đỡ. Từ chối nhiệm vụ”.
Trong thực tế cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ, phải cố gắng hy sinh mới hoàn thành được bổn phận làm một người công dân tốt, vấn đề từ chối phải được phân loại như sau: 1/Những từ chối tiêu cực, sai trái. 2/Những từ chối tích cực, đúng đắn.
Trước hết hãy nói về những từ chối bị coi là sai trái, là tiêu cực để ai ai cũng phải chú ý mà rèn luyện bản thân. Triết gia La Cordaire (1802 - 1861) đã dạy bảo rất kỹ lưỡng: “Người ta sống trong cộng đồng xã hội không ai được phép từ chối bổn phận”. Danh ngôn này luôn đúng đắn. Lúc thanh thiếu niên phải có bổn phận với gia đình, với học đường. Lớn lên phải có bổn phận với xã hội, với quê hương, đất nước. Có một câu hát nổi tiếng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết dành phần ai” đã làm xúc động hàng triệu trái tim trước những yêu cầu của gia đình, của xã hội. Nếu em học sinh cấp I có tinh thần xung phong nhận các việc khó trong các buổi sinh hoạt lớp, thì ở nhà em cũng rất tích cực giúp đỡ ông bà, cha mẹ. Tinh thần dám nhận, dám làm sẽ theo em dần với năm tháng và em sẽ trở thành con người không bao giờ từ chối trước những khó khăn của cuộc sống và chắc chắn em sẽ trưởng thành.
Những từ chối tích cực, đúng đắn có rất nhiều trên thế giới và ở nước ta, chỉ xin kể một số thí dụ điển hình:
Vua Trần Nhân Tông đã từ chối ngai vàng và về ở ẩn nơi am thanh, cảnh vắng để nghiên cứu và phát hiện ra chân lý thực sự của đời sống con người, rồi từ đó giúp vua mới trị nước được thuận hòa, tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Mọi người đều xưng tụng ông là Phật hoàng để tỏ lòng yêu mến, kính trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, đã từ chối không nhận Huân chương cao quý của Quốc hội trao tặng. Người nói: “Nước nhà còn chưa được thống nhất, nhân dân còn nhiều vất vả khổ cực, tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ, nên không dám nhận”.
H.Hemingway, nhà văn Mỹ vĩ đại, tác giả của những kiệt tác văn chương nhân loại như “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già và biển cả” đã từ chối nhận giải thưởng Nobel Văn học.
Albert Einstein, nhà vật lý vĩ đại của mọi thời đại, đã từ chối lời mời ra làm Tổng thống nước Israel khi nhóm chính khách đứng ra thành lập nước đến kính mời ông giữ chức vụ người đứng đầu cao quý đó.
Biết từ chối là phẩm hạnh cao quý của con người trưởng thành
La Rochefoucauld
Các vị tu hành Phật giáo, các sơ bên Thiên chúa giáo đã từ chối sự an toàn của cuộc đời mình để hàng ngày chăm sóc, ôm ấp những cháu bé bị tật nguyền, những bệnh nhân bị lao, bị hủi, bị nhiễm HIV. Nhiều vị đã hy sinh hoặc bị lây bệnh trong các cơ sở điều trị.
Nhiều chiến sĩ cảm tử yêu nước đã từ chối cuộc sống êm đềm bên vợ đẹp con khôn để lao vào các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Năm 1946, ba nhà trí thức yêu nước là Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân và Trần Hữu Tước đã từ chối cuộc sống sung sướng ở châu Âu hoa lệ để trở về nước, kề vai sát cánh cùng đồng bào ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau trận động đất kinh hoàng tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản, cậu bé 9 tuổi đã biết từ chối miếng ăn trong khi đói khát để nhường cho các cụ già xếp hàng sau mình đang chờ phát lương thực.
Như vậy, đứng về mặt tâm lý học, sự từ chối đồng nghĩa với sự khiêm tốn, nhường nhịn, tận tụy, cống hiến hết mình và sự hy sinh cao cả. Đứng về mặt sinh lý học, từ chối là một quá trình ức chế mạnh mẽ dựa trên lý trí, là một quá trình tư duy khắc nghiệt mà không phải ai cũng có được. Tất cả đều phải tự rèn luyện, tự giáo dục, biết tu thân mới có được.
Như vậy, ta có thể thấy được: Những người biết cách từ chối vật chất, từ miếng ăn cho đến đồng tiền hoặc những cám dỗ vật chất, bổng lộc tham nhũng là những người biết nhìn xa, trông rộng mới có được bản lĩnh tuyệt vời nhất, đó là bản lĩnh từ chối.
Bậc thầy văn chương của nhân loại, ông Alfred de Musset (1810 - 1857) đã có một bài thơ triết học nói rất rõ về việc phải biết tiết chế, phải biết kiên nhẫn mới thực hành được kỹ năng từ chối. Bài thơ như sau: “Đời có hai đường đi/ Đường thì tiết chế, đường kia thênh thang/ Đường này tắc nghẽn, đường kia lại rộng mở/ Đường đầu là kiên nhẫn, đường sau là tham lam”. Tài tình thay bài thơ triết lý của 300 năm về trước đã phát hiện ra cái khó nhọc của kỹ năng từ chối, biết từ chối phải vượt qua bao khó nhọc, tắc nghẽn mới tới được bến bờ lương thiện, nhân ái.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, phong dao, đồng dao của Việt nam cũng có nhiều câu, nhiều chữ dạy ta nhiều cách từ chối. Trước hết là từ chối miếng ăn không chính đáng, không nghiêm túc, không hợp lẽ phải.
Đó là: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, hoặc “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”... Biết từ chối miếng ăn, miếng bổng lộc không chính đáng cũng nằm trong mục “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chỉ cần thông suốt và rèn luyện cho tốt bốn kỹ năng: Kỹ năng ăn, kỹ năng nói, kỹ năng mở ra vấn đề, kỹ năng gói lại vấn đề thì chắc chắn sẽ có một cuộc sống an toàn, thuận hòa, hạnh phúc.
Tục ngữ cổ của Pháp cũng có câu dạy về từ chối những miếng ăn không chính đáng, không hợp đạo lý, không hợp khoa học, đó là: “Người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Thật quá sâu sắc và động chạm mạnh mẽ đến sự suy nghĩ cho điều hay, lẽ phải của con người.
Nhà ngụ ngôn La Fontaine lại tìm ra cơ chế của cái lợi, cái hay của sự từ chối mang lại qua việc mổ xẻ tính ích kỷ, tham lam, chỉ muốn lợi mình, hại người mà ai ai cũng dễ mắc phải. Ông viết: “Kẻ nào tham lam muốn vơ vét tất cả thường cuối cùng bị mất hết”. Những vụ án kinh tế hàng trăm tỷ mà các phương tiện thông tin đại chúng công bố công khai gần đây đã chứng minh cho lời dạy của La Fontaine là chính xác và khoa học.
Như thế, lòng tham chính là nguyên nhân chống lại kỹ năng từ chối.
Câu thành ngữ tuy hơi thô thiển là “Chả có lợn nào chê cám” đã luôn nhắc nhở tất cả mọi người về việc tự giáo dục, tự rèn luyện để vượt qua được những cám dỗ tầm thường có thể dẫn đến mất danh dự, mất sự nghiệp mà cả đời khó nhọc theo đuổi và phấn đấu.
Ai ai cũng cố gắng phấn đấu để vượt qua cái cạm bẫy “kiếm củi 3 năm thiêu trụi trong 1 giờ”. Vậy thì chỉ có kỹ năng từ chối được rèn luyện, được nhắc đi nhắc lại mới cứu được con người trước những cám dỗ mà ta gặp hàng ngày.
Cách đây hàng ngàn năm, Đông phương cổ học Tinh hoa đã viết: “Dục đa thương thần, tài đa lụy thân” (tạm dịch: Dục vọng làm hại đến tinh thần, của cải nhiều làm hại đến thân thể). Chỉ còn có một cách là từ chối những ham muốn, những vật chất có được bằng cách không chính đáng.
Có tác giả đã phát hiện ra kỹ năng từ chối có lợi ích như một biện pháp dự phòng. Thí dụ: Từ chối bia, rượu để tránh ung thư gan. Từ chối hút thuốc lá, kể cả các loại thuốc lá cải tiến gần đây, để tránh ung thư phổi. Từ chối nhận các chức vụ quá với sức mình, quá với khả năng chuyên môn của mình để tránh sai sót, có khi dẫn đến tù tội do vấn đề nảy sinh vượt quá giới hạn mình có thể kiểm soát.
Từ chối nhận các danh hiệu thi đua để nhường cho những người xứng đáng hơn mình sẽ gây được không khí đoàn kết, gắn bó với nhau hơn trong một tập thể cơ quan, xí nghiệp.
Khép lại bài viết về “Kỹ năng từ chối”, nên nhớ mãi lời dạy của thiên tài triết học La Rochefoucauld (1613 - 1680): “Biết từ chối là phẩm hạnh cao quý của con người trưởng thành”.