Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2022 đang diễn ra tại 3 tỉnh, thành Hà Nội, Thái Bình và Vĩnh Long từ ngày 12 đến 25/7. Đây là cơ hội để các thí sinh cọ sát, học hỏi nghề mình đang được đào tạo trong trường hoặc đã ra làm nghề, từ đó ươm mầm những tài năng trẻ.
Chuẩn bị kỹ càng, nỗ lực tổ chức
Có mặt tại Hội đồng thi quốc gia số 3 (Hà Nội) sáng 13/7, phóng viên ghi nhận một không khí thi đấu hết sức khẩn trương, nghiêm túc và cũng đầy hứng khởi. Các thí sinh đang trải qua ngày thi thứ hai với 2 nghề Chăm sóc sắc đẹp và Thiết kế các kiểu tóc.
Thí sinh Đỗ Thị Bích, Khoa Chăm sóc sắc đẹp, Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội cho biết, để đến với cuộc thi này, em đã dành thời gian hơn 1 tháng chuẩn bị. Với chủ đề bảo vệ môi trường rừng, Bích đã tự lên ý tưởng, phác họa thiết kế, phối màu… và nhận được sự góp ý của nhiều thầy cô, đặc biệt là cô giáo Phạm Thanh Huệ để em hoàn thành bài thi. “Kỳ thi không chỉ gói gọn trong 2 ngày tổ chức mà là cả quá trình chuẩn bị, thực hành đến nghe đánh giá, góp ý của ban giám khảo để em hoàn thiện các kỹ năng nghề của mình hơn” - Bích chia sẻ.
Là một trong những thí sinh đến từ miền Nam, Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết trước đây em đã từng đoạt giải trong một cuộc thi tương tự do nhà trường tổ chức. Tuy nhiên, cuộc thi ở tầm cỡ quốc gia như thế này thì đây là lần đầu tiên Hằng tham gia. “Em run từ ngay hôm thi spa, đến buổi hôm nay vẫn chưa hết run. May mắn là em nhận được sự hướng dẫn tận tình của nhà trường, giáo viên dẫn đoàn cũng như sự hỗ trợ của ban tổ chức. Em xác định đây là cơ hội để cọ xát với nghề, có học có hành để từ đó tiếp tục trau dồi, rèn luyện trong quá trình học tập” - Hằng chia sẻ.
Bà Văn Thị Minh Phương - Phó Chủ tịch Hội đào tạo phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, Ủy viên Hội đồng thi quốc gia số 3 của kỳ thi năm nay cho biết, đây là một kỳ thi đặc biệt vì đã phải tạm hoãn trong năm 2021 vì dịch bệnh và nay, với sự nỗ lực của ban tổ chức, giám khảo và cả thí sinh… mới có thể tổ chức được một cuộc thi trực tiếp như thế này.
Sự khác biệt cơ bản đó là các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia mọi năm thu hút các thí sinh từ 15-22 tuổi còn năm nay mở rộng đến 60 tuổi để những thợ làm nghề chuyên nghiệp nhiều năm trong ngành cũng có cơ hội tham gia, từ đó tạo ra sự lan tỏa nhiều hơn để tạo ra sức mạnh cộng sinh, từ đó thúc đẩy kỹ năng nghề của các ngành nghề trên toàn quốc. “Có những em đến với cuộc thi ở độ tuổi còn rất trẻ. Những gương mặt non nớt nhưng đầy quyết tâm chinh phục những thử thách mà cuộc thi đưa ra. Tôi trân trọng các em và hi vọng thông qua cuộc thi sẽ hội tụ được những tài năng, là cơ hội để những thí sinh học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ đó vươn cao, vươn xa hơn trên đấu trường quốc tế” - bà Phương cho biết.
Cần được đào tạo nghề bài bản
Là thí sinh tự do của đoàn Hòa Bình, Hoàng Thế Lực (22 tuổi) tình cờ biết đến cuộc thi và đăng ký tham gia để được cọ xát với nghề. Hiện Lực đã đi làm ở salon tóc được 4 năm và đến với cuộc thi, mặc dù là người có kinh nghiệm nhưng Lực cho rằng so với những thí sinh được đào tạo bài bản trong các trường nghề, được thầy cô chỉ bảo, góp ý từ khâu bắt đầu đến tận khi cuộc thi diễn ra thì mình “có phần thiệt thòi”. “Em tự mày mò, tự thực hành và hi vọng sau đây những góp ý của ban giám khảo, ban tổ chức cũng như các thầy cô, bạn bè thí sinh sẽ trở thành kinh nghiệm quý đi theo suốt chặng đường làm nghề của mình” - Lực chia sẻ.
Từ góc nhìn của một người đã 31 năm làm trong ngành chăm sóc sắc đẹp, bà Văn Thị Minh Phương cho rằng, dù với bất cứ công việc, ngành nghề nào cũng cần sự đam mê để đi được đường dài với nghề. Đi kèm với đó là những kiến thức, kỹ năng được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp trong nhà trường sẽ giúp mỗi người đi xa được. “Cũng có trường hợp nghề tự dạy nghề nhưng để đi xa được thì cần được đào tạo bài bản, kỹ càng ngay từ đầu. Mỗi người nên xác định sở thích của mình và theo học nghề bài bản, nghiêm túc cũng như tại các cơ sở đảm bảo về chất lượng đào tạo, uy tín căn cứ vào quy trình chuẩn đã được công nhận” - bà Phương nêu quan điểm.