Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm thi của các thí sinh thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Với bảng điểm này, các thí sinh có thể dựa vào đó để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ. Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ dành khoảng 70% chỉ tiêu cho việc xét tuyển nguyện vọng 1. Thí sinh cần cân nhắc thật kĩ theo số điểm và điều kiện của từng trường, để có thể vào được đúng ngành, đúng trường mình yêu thích.
Cụm thi trường ĐH chủ trì: điểm liệt môn Toán hơn 17.800 thí sinh
Theo bảng thống kê Bộ GD&ĐT mới công bố, dành cho các TS đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH: có 20.480 TS bị điểm liệt ở các môn, trong đó môn Toán chiếm số lượng lớn nhất với 17.816 TS. Xếp thứ 2 là môn Lịch sử, với 1.200 em bị điểm liệt. Riêng môn Ngoại ngữ, chỉ có 530 em thi ở các trường ĐH, CĐ bị điểm liệt, ít hơn nhiều so với thống kê toàn quốc. Điều này cho thấy điểm liệt môn Ngoại ngữ chủ yếu rơi vào các em dự thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ TS đạt điểm trên 8 nhiều nhất rơi vào môn Hóa học… Đây là thông tin hữu ích để thí sinh biết được với từng môn, với điểm số như vậy mình đang ở đâu trong bức tranh tổng thể, bao nhiêu TS kém mình để lượng sức chọn trường phù hợp.
Việc TS bị liệt Toán và Sử nhiều, hay là không có nhiều điểm cao ở môn Tiếng Anh - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng) nói: “Một số học sinh hiện nay không có động lực học, hoặc học theo kiểu đối phó thì sẽ bị điểm liệt. Tôi cho rằng, đối với đề thi này những học sinh bình thường đều làm được và đều đỗ. Những học sinh bị điểm liệt có thể từ cấp 2 đến cấp 3 lười học. Chúng ta nên mạnh dạn chứ không nên thương tiếc những học sinh này. Phải cho các em thấy nếu không học sẽ không đỗ. Tôi muốn kỳ thi được thực nghiêm túc nữa để cho học sinh cố gắng học, nếu không học sẽ bị trượt. Chúng ta đừng nghĩ tại sao lại có nhiều điểm kém tiếc cho 12 năm đi học mà không đậu tốt nghiệp. Bởi các em phải học cách tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình. Việc đổ cho đề thi, chấm thi thế này, thế kia là không đúng. Chúng ta phải thẳng thắn chỉ ra cho những học sinh điểm kém, điểm liệt là do không học phải học lại thi lại thì mới các em mới thấy và còn cảnh báo cho những học sinh khác nữa”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm còn cho rằng, cách xét tuyển năm nay, đứng về phía học sinh là điều thuận lợi, không phức tạp cho học sinh vì các em có điều kiện để chọn trường, chọn khoa chính xác, phù hợp với khả năng của mình hơn.
Các thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2015.
Cân nhắc để có khả năng trúng tuyển cao nhất
Theo dự kiến, các trường ĐH sẽ lấy đến 70% chỉ tiêu khi xét tuyển nguyện vọng 1. Có trường lấy tới 80% chỉ tiêu. Hoặc cũng có thể có một số trường sẽ lên kế hoạch không xét nguyện vọng bổ sung, ví dụ như trường ĐH Cần Thơ.
Theo lưu ý của Bộ GD&ĐT: Với các trường ĐH tốp trên thời gian đăng ký xét tuyển của đợt 1 dự kiến là 20 ngày. Sau đó, các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển, những TS đã trúng tuyển sẽ không được xét nguyện vọng bổ sung. Trong 20 ngày của thời gian đăng ký xét tuyển, các em được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác. Để thuận lợi cho việc rút hồ sơ, cũng như đăng ký vào các trường khác, Bộ GD&ĐT quy định 3 ngày một lần các trường phải công bố công khai danh sách học sinh đăng ký xét tuyển vào trường theo trật tự từ cao xuống thấp của kết quả thi.
Cân nhắc hàng đầu của TS là cần lựa chọn ngành, trường phù hợp để bảo đảm khả năng trúng tuyển là cao nhất. Căn cứ kết quả thi, TS có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Hiện nay, hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên các TS có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.
Có 2 tham chiếu quan trọng để TS lựa chọn trường, ngành phù hợp. Nếu điểm thi vượt trên 2 điểm so với điểm chuẩn của ngành năm ngoái thì TS hoàn toàn yên tâm. Ngược lại, thí sinh phải cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ” khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số những người cùng đăng ký vào ngành.
Theo như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng hơn 1 - 2 điểm. Những ngành điểm chuẩn thấp sẽ tăng, ngành cao sẽ chững lại, nếu có tăng thì chỉ ở một số ít ngành và tăng không nhiều. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chủ yếu xét tuyển trong đợt 1. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, TS nên cân nhắc theo năng lực của mình để lựa chọn trường. Cũng nên đăng ký đủ 4 nguyện vọng để tránh trường hợp phải rút hồ sơ.