Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Dự đoán chủ đề thời sự trong đề thi

Thu Hương 12/04/2016 12:35

Xu hướng ra đề thi với câu hỏi mở không còn xa lạ với giáo viên và học sinh THPT những năm gần đây. Không chỉ xuất hiện trong đề bài môn Ngữ văn mà nhiều môn khác như Lịch sử, Tiếng Anh… cũng có lồng ghép một số câu hỏi về các vấn đề nóng của đất nước, cuộc sống đang diễn ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc vấn đề thời sự nào để đưa vào đề thi THPT Quốc gia bởi có sự chênh lệch về mặt bằng thông tin giữa học sinh ở các vùng miền khác nhau. 

Đề Văn của trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng).

Khi đề thi là nhạc sĩ Trần Lập và virus Zika

Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu vừa qua có đề cập đến cố nhạc sĩ Trần Lập và “Đôi bàn tay thắp lửa”. Đề thi đặt câu hỏi: “Câu chuyện về nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập, “người thắp lửa” đã mang đến cho anh chị những cảm xúc gì?”

Trong khi đó, đề thi chọn học sinh giỏi lớp 11 môn Ngữ văn của Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) dành trọn nội dung về nhạc sĩ Trần Lập. Câu 1 (4 điểm) có nội dung: “Vừa qua, một nghệ sĩ trẻ, không nhiều danh hiệu cao quý nhưng khi qua đời ở tuổi 42, anh được rất nhiều người mến mộ, thương tiếc. Bạn nghĩ sao về điều này?”. Và câu 2 (6 điểm), nêu nội dung của một bài báo liên quan đám tang nhạc sĩ Trần Lập, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về chương “Hạnh phúc của một tang gia” của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Trước đó, một số giáo viên cũng đã đưa hình ảnh nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập đã vào đề thi thử THPT quốc gia như yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của mình về một câu hát trong bài “Đường đến ngày vinh quang” nhạc sĩ Trần Lập sáng tác: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”…

Ở các môn học khác như Sinh học, Hóa học, Tiếng Anh… nhiều giáo viên cũng bám sát việc đưa các câu hỏi liên quan đến vấn đề thời sự vào bài thi. Chẳng hạn, sau khi có thông tin hai người Việt Nam nhiễm virus Zika, chủ đề thời sự này đã được nhiều giáo viên dạy online đưa vào đề thi thử THPT quốc gia với mục đích vừa để cảnh báo cho các em về mức độ nguy hiểm của bệnh này để tự bảo vệ mình. Đồng thời là một cách tập dượt để các em tiếp cận với vấn đề thời sự có thể xuất hiện trong đề thi THPT Quốc gia năm nay.

Chọn vấn đề nào đưa vào đề thi?

Tranh cãi về vấn đề nào nên đưa vào đề thi THPT Quốc gia vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm dù cách làm này đã được thực hiện từ vài năm trở lại đây. Ví dụ, đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 có đề cập đến bệnh vô cảm; hình ảnh các chiến sĩ đảo Trường Sa qua những câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Hoàng Sa, Trường Sa/ Những quần đảo long lanh như ngọc dát/ Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát/ Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi” đều là những vấn đề nóng của đất nước thời điểm đó.

Hay đề thi Tiếng Anh cũng có câu liên quan đến dịch Mers và vận động viên Ánh Viên đã gây ấn tượng mạnh ở SEA Games 25 trong nội dung bơi bướm nữ 200 m, không đối thủ nào đuổi kịp…

Bên cạnh nhiều ý kiến hoan nghênh vì đề thi tiếp cận những vấn đề thời sự, tránh được việc “học gạo”, học lấy điểm, học chỉ để đi thi mà xa rời thực tế cuộc sống thì vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc một số đề thi mở làm khó những học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa khi không được tiếp cận với phim ảnh, internet nhiều.

Việc đặt câu hỏi xung quanh sự ra đi của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập khiến nhiều học sinh hân hoan vì anh được coi như một biểu tượng của giới trẻ, của tinh thần, nghị lực chống chọi với bệnh tật. Nhưng nhiều thầy cô giáo lại không đồng tình vì cho rằng Trần Lập chưa phải là tên tuổi nổi bật của làng nhạc, còn nhiều ca sĩ, nhạc sĩ xứng đáng hơn… tại không không được nhắc đến?

Và không phải học sinh nào cũng yêu thích nhạc rock, cũng thần tượng Trần Lập nên trong một đề thi mang tính quốc gia, nếu xuất hiện câu hỏi này thì sẽ khó cho một số bạn học sinh, nhất là khi đây không phải là vấn đề mang tính bắt buộc học sinh nào cũng phải biết.

Luyện thi là phải quan tâm tới thời sự trong nước và quốc tế

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm 2016 về cơ bản ổn định như năm 2015 nên Bộ không công bố đề thi minh hoạ, thí sinh có thể tham khảo đề thi minh hoạ năm ngoái. Với riêng các môn khoa học xã hội và nhân văn, trong công văn Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường- Bộ Quốc phòng, các trường phổ thông hướng dẫn ôn tập đề thi THPT quốc gia 2016 có đề cập: cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.

Nghĩa là, học sinh muốn làm tốt đề thi các môn khoa học xã hội bắt buộc phải quan tâm đến các vấn đề thời sự đang diễn ra. Nói như cô giáo dạy môn Ngữ văn Trần Thu Hiền (Trường THPT Trần Phú, Hà Nội), mọi vấn đề xã hội xung quanh chúng ta đều đáng để học sinh quan tâm, suy nghĩ. Vấn đề là trong khoảng thời gian có hạn, các em lại phải vừa căng minh học tập ở tất cả các môn chứ không phải chỉ môn xã hội, lại phải vừa theo dõi diễn biến thời sự trong nước, quốc tế là điều không dễ dàng.

Vì vậy, bên cạnh việc liên tục cập nhật các thông tin, tri thức về đời sống, các em cũng cần rèn luyện cho mình phương pháp học tập chủ động. Bên cạnh đó, trách nhiệm của giáo viên là định hướng cho các em cách làm, cách phân tích, trình bày vấn đề với các lập luận cần thiết để đảm bảo thuyết phục được người chấm.

Bên cạnh đó, cô Trần Thu Hiền cũng lưu ý phần câu hỏi mở thường không chiếm quá nhiều điểm của bài thi nên các em cần làm ngắn gọn, không nên quá sa đà vào bài kẻo hết thời gian làm câu chính.

Đồng bằng sông Cửu Long: Có thêm 2.100 tân cử nhân, kỹ sư

Trường ĐH Cần Thơ vừa tổ chức trao bằng tốt nghiệp ĐH đợt I năm 2016 cho 2.100 cử nhân, kỹ sư thuộc các khoa kinh tế, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và sinh học ứng dụng, công nghệ, thủy sản trong đó có hơn 820 tân cử nhân ngành kinh tế. Số tân cử nhân, kỹ sư này nằm ở hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hiện nay, Trường ĐH Cần Thơ đang đào tạo 60.000 sinh viên của 96 chuyên ngành.

L.Q.K.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Dự đoán chủ đề thời sự trong đề thi