Thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) tiếp tục khẳng định Bộ GDĐT và tất cả các bộ ngành liên quan xuyên suốt tinh thần: Không chấp nhận hay dung túng cho bất cứ hành vi gian lận nào, dù là nhỏ nhất. Cùng với đó, nhiều băn khoăn thắc mắc về việc tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 cũng được đại diện Bộ GDĐT chia sẻ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Đánh phách điện tử phòng ngừa gian lận
Ông Mai Văn Trinh cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn tất. Năm nay cả nước có khoảng 887.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi (giảm gần 40.000 TS so với kỳ thi THPT quốc gia 2018), trong đó TS đăng ký xét tuyển ĐH và xét tuyển vào các trường sư phạm là khoảng 74%. Quyết liệt chống gian lận thi cử từ bài học của việc tổ chức kỳ thi THPT năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 khu vực lưu trữ đề thi, bài thi đều có camera an ninh giám sát, công an trực an ninh 24/24 giờ. Việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của ĐH, CĐ thực hiện.
Đáng chú ý, năm nay phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để ngăn ngừa việc can thiệp, gian lận. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được điều chỉnh để phát hiện gian lận, can thiệp. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi lưu dấu vết và chỉ người có trách nhiệm mới có thể truy cập.
Đại diện Bộ GDĐT khẳng định sẽ không dung túng, chấp nhận cho bất kỳ hành vi gian lận thi cử nào. Riêng đối với hành vi gian lận thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao, đây là vấn đề rất được Bộ GDĐT và cơ quan an ninh quan tâm.Việc gian lận thi cử bằng công nghệ cao sẽ rất đa dạng, đòi hỏi công tác thanh tra, giám sát phải cực kỳ nghiêm minh. Bộ đã đưa ra các khâu giúp phòng ngừa, phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao, hỗ trợ cán bộ có thể nhận dạng các thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử. Trong chương trình tập huấn nghiệp vụ thi năm nay, Bộ làm kỹ hơn, mời an ninh của tất cả các tỉnh thành phố, ban chỉ đạo thi có đại diện của lực lượng an ninh mạng, kỹ thuật công nghệ cao của Bộ Công an cùng tham gia.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, công tác lựa chọn cán bộ được tiến hành kỹ lưỡng, song song với việc tập huấn cán bộ, giáo viên. Ở tất cả điểm thi đều được phát cẩm nang phòng thi để đảm bảo công tác tổ chức.
Nỗ lực tăng cả chất và lượng trong đào tạo sư phạm
Trước những băn khoăn của dư luận về việc kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 Bộ GDĐT tăng chỉ tiêu khối ngành sư phạm, liệu chất lượng đào tạo ngành học này có tỉ lệ thuận hay không? Bởi trên thực tế hiện nay có tình trạng dư thừa giáo viên ở các tỉnh, thành. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc tăng chỉ tiêu này sẽ làm mất cân đối thị trường lao động, phá vỡ chính sách phân luồng...
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, năm nay chỉ tiêu khối ngành sư phạm có tăng lên nhưng Bộ quyết tâm không hạ điểm sàn để đánh đổi lấy số lượng.
Bà Phụng cũng nhấn mạnh, việc tăng chỉ tiêu sẽ đi kèm với nhiều giải pháp để kiểm soát số lượng và chất lượng trong việc tuyển sinh ngành sư phạm. Thứ nhất là kiểm soát bằng chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm bằng 73% nhu cầu đào tạo của các trường. Điều này nhằm khuyến khích các tỉnh cần tiếp tục thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm còn thừa thiếu cục bộ. Giải pháp thứ hai là kiểm soát chất lượng đầu vào bằng quy định sàn xét học bạ và điểm sàn để xét tuyển từ điểm thi. Thứ ba, yêu cầu các trường nhập toàn bộ dữ liệu trúng tuyển, nhập học lên hệ thống chung để kiểm soát việc thực hiện chỉ tiêu và điểm sàn. Cùng với đó, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường sư phạm minh bạch thông tin để xã hội giám sát.
Theo số liệu của Bộ GDĐT, hiện nay có sự thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Theo báo cáo cuối năm 2018 của các sở GDĐT địa phương, cả nước đang thiếu 75.989 giáo viên, chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học. Trong đó, các tỉnh thiếu giáo viên lớn nhất là Hải Dương (4.000), Hà Nội (4.000), Thái Bình (3.600)...
Thông tin tuyển sinh cần rõ ràng
Năm 2019, Bộ GDĐT cũng đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Theo Thông tư này, các cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy theo quy định, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành theo quy định.
Dẫu thế, tại mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2019, vẫn còn tình trạng một số trường ĐH công bố các đề án tuyển sinh trên cổng thông tin tuyển sinh 2019 của Bộ GDĐT chưa đúng quy định; một số đề án tuyển sinh không công khai đầy đủ theo mẫu về số lượng giáo viên, tình hình việc làm… Ông Phạm Như Nghệ- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khẳng định, đây chỉ là những thông tin cơ bản, thông tin chi tiết và đầy đủ phải vào cổng thông tin từng trường. Vì vậy người học phải tìm hiểu thông tin của các cơ sở, ở đó mới đầy đủ thông tin. Tuy nhiên Bộ GDĐT sẽ rà soát lại tất cả.
Ông Mai Văn Trinh chia sẻ thêm, Bộ đã có những sự chuẩn bị về việc 3 công khai trong công tác tuyển sinh. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành kiểm tra, như năm ngoái có những trường phải điều chỉnh lại chỉ tiêu.