Kỹ thuật trồng ngô lai

B.T. 14/06/2017 14:35

Cây ngô lai có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất phù sa được bồi đắp hàng năm, đất đỏ, đất bạc màu... Nhưng thích hợp nhất là đất phù sa được bồi đắp hàng năm, kế đến là đất đỏ.

Ngô lai dễ trồng và cho thu nhập khá cao.

Mật độ trồng:

Đối với giống dài ngày trồng với khoảng cách 80 cm x 25 cm, tương ứng với mật độ 50.000 cây/ha (trồng 1 cây/1 lỗ).

Đối với giống ngắn ngày, thấp cây nên trồng dày với khoảng cách 75 cm x 25 cm (1cây/1lỗ) ứng với mật độ 53.300 cây/ha.

Chú ý: Vụ đông xuân và thu đông nên trồng dày hơn vụ hè thu.

Phân bón:

Cây ngô thích nghi rất cao đối với đạm, ở ngô lai không có hiện tượng lốp đổ khi bón nhiều phân như lúa, nhưng tùy loại giống mà định lượng phân bón cho có hiệu quả nhất. Nhu cầu phân bón cho cây ngô lai cao nhưng phải bón cân đối đúng lúc, đúng kỹ thuật để phát huy hết tiềm năng về năng suất.

Bón lót: Bón toàn bộ phân DAP và 1/2 KCl.Có thể bón thêm phân chuồng(nếu có), bón lót xong lấp đất lại rồi mới tiến hành gieo hạt.

Bón thúc lần 1: Vào khoảng 25-30 ngày sau khi gieo, bón 1/2 KCl còn lại và 150 kg Urê. Kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, nên bón ở hai mép hàng để cây sử dụng dễ dàng, đồng thời bộ rễ phát triển cân đối. Chú ý khi bón ở giai đoạn này, cây còn nhỏ nên cẩn thận bón phân xuống rồi lấp đất nhẹ lên, không làm phân dính vào lá, gây cháy lá.

Bón thúc lần 2: Vào khoảng 45-50 ngày sau khi gieo, bón 150 kg Urê. Cuốc hốc giữa hai hàng cày sâu 10-15 cm để phân vào đó, kết hợp làm cỏ và vun cao gốc.

Để cây sinh trưởng phát triển tốt đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của phân bón, cứ 5-7 ngày ta pha loãng đạm với nước phân chuồng mục tưới cho ngô. Phải bón đạm, kali xa gốc 5-7cm, tuyệt đối không được trộn lẫn đạm với kali, bón xong phải lấp đất không nên bón phân khi đất quá khô hoặc quá ẩm.

Tưới nước:

Ngô được tưới chủ yếu bằng biện pháp tưới phun. Tưới ướt đều toàn ruộng một ngày sau khi gieo hạt để cung cấp đủ độ ầm cho hạt nẩy mầm. Luân phiên tưới nước để đảm bảo trong suốt chu kỳ sống của cây trồng, ẩm độ trong đất luôn cao hơn điểm héo và thấp hơn mức thủy dung ngoài đồng do cây ngô lai rất cần nước nhưng không chịu được ngập úng.

Cây ngô có thể được tưới tràn nhưng phải thoát nước ngay sau đó nhằm đảm bảo đủ độ ẩm trong đất.

Chú ý đảm bảo đủ độ ẩm cho cây trước và sau khi trổ 20 ngày.

Phòng trừ sâu bệnh:

Ở mỗi thời kỳ khác nhau có các loại sâu khác nhau, trong đó có một số loài sâu hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây ngô như: Sâu đục thân, sâu ăn trái và sâu ăn tạp. Dùng Padan 4H hay Basudin 10H, Bam 5H hoặc các loại thuốc hột khác để phòng ngừa sâu đục thân và sâu đục trái, bằng cách bỏ một nhúm nhỏ thuốc (khoảng 3-4 hột) vào họng cây ngô 20 và 40 ngày sau khi gieo.

Các bệnh quan trọng trên cây ngô là bệnh đốm lá nhỏ, bệnh đốm lá lớn và bệnh khô vằn. Do đó để phòng các bệnh này ta nên xử lý hạt giống bằng Rovral. Phun trị bằng cách dùng Validacin 3DD, Monceren, Bavistin hoặc Anvil 5S.

Thu hoạch:

Xác định thời điểm thu hoạch ngô bằng việc quan sát hạt ngô ở đầu trái và cuối trái. Khi lá bao trái đã khô, hạt cứng, lãy thử hạt,nếu ở chân các hạt này có lớp màu đen là ngô đủ chín sẵn sàng để thu hoạch.

Nên chặt đọt phơi trái ngoài đồng 5-7 ngày trước khi thu hoạch. Sau đó lột vỏ phơi trái vài nắng (ẩm độ còn khoảng 20-24%) để khi thu hoạch tách hạt giảm tỉ lệ nứt bể. Nếu để tồn trữ nên phơi hạt còn độ ẩm 14-15%. Thân lá cây ngô sau khi thu hoạch nên cày vùi tại ruộng nhằm giúp cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho vụ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ thuật trồng ngô lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO