Ký ức người thầy thuốc trong tâm dịch

NGHĨA TOÀN 06/02/2022 08:51

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, thầy thuốc chính là những “thiên thần áo trắng”. Họ không quản hiểm nguy luôn ở bên người bệnh, ở những điểm nóng dịch bệnh. Ðóng góp của đội ngũ thầy thuốc là không kể xiết, là vô bờ bến. Có người vì sức khỏe, vì tính mạng đồng bào đã hy sinh thân mình. Một năm mới lại tới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi ghi lại tâm sự của một số thầy thuốc, như một sự tri ân.

Bác sĩ Vũ Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện bưu điện: Tự hào khi người bệnh được xuất viện

Thời gian tham gia chống dịch tuy vất vả, khổ cực, có cả mồ hôi và nước mắt nhưng tôi rất vui vì được góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch vô cùng ác liệt, cam go tại miền Nam.

Đó là khoảng thời gian không thể nào quên trong quãng đời làm ngành y của tôi. Và nếu được lựa chọn lại tôi vẫn xung phong lên tuyến đầu như đã làm.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi nhận được lệnh triệu tập vào lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngày đi, không ai biết địa điểm công tác cũng như ngày trở về là khi nào. Thực ra, thời điểm đó, tôi có chút lo lắng, khi mà dịch bệnh nguy hiểm như vậy. Nhưng là thầy thuốc mà, đây là cuộc chiến của mình.

Tôi còn nhớ lúc ấy số bệnh nhân F0 chúng tôi nhận vào tăng đột biến theo ngày, số ca nặng cũng tăng đều theo ngày. Vấn đề quyết định sống còn nhất chính là ô xy cung cấp cho người bệnh. Giai đoạn ấy ngoài việc phải vận chuyển ô xy bình đến giường từng bệnh nhân, tua trực còn phải phân loại bình ô xy theo mức độ nhiều đến ít để đảm bảo nguồn ô xy được sử dụng hiệu quả một cách tối đa.

Bình đầy thì dùng cho các bệnh nhân thở ô xy dòng cao, bình còn khoảng 70% thì dùng cho các bệnh nhân sử dụng ô xy mask, còn thấp hơn nữa thì dùng cho bệnh nhân thở qua cannula. Mọi người tuy vất vả nhưng cũng hay đùa với nhau rằng “có ô xy để đẩy là mừng rồi...”

Đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy thể hiện quyết tâm khi thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6.

Nhưng cuộc sống thật ngắn ngủi và vô thường, còn dịch bệnh thì chẳng chừa một ai, tôi vẫn nhớ như in những lần bệnh nhân ra đi sau mọi nỗ lực của mình. Có những khi cả kíp trực nỗ lực suốt đêm để cấp cứu, mong bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng, bệnh nhân đã có những tín hiệu tốt trở lại nhưng cuối cùng đến gần sáng thì bệnh nhân trở nặng và không qua khỏi. Khi đó, ai cũng cảm thấy buồn và bất lực. Buồn hơn khi phải chứng kiến bệnh nhân ra đi khi không có người thân bên cạnh.

Mọi thứ đã rất nặng nề, tôi bước đôi chân đi trong sự thất vọng về bản thân trước sự tàn khốc và nghiệt ngã của kẻ thù là SARS-CoV-2.

Thật may mắn khi ở nơi đó, tôi có đồng nghiệp. Ở nơi đó, tôi và những người xa lạ bỗng chốc thành thân thuộc, ngồi lại với nhau và những sợi mì tôm đêm muộn, những cốc cà phê đã trở thành quen thuộc cho tỉnh táo để đảm bảo hoàn thành sứ mệnh.

Và rồi, sau tất cả, thứ làm tôi nhớ nhất với niềm tự hào là nụ cười của bệnh nhân mỗi khi được xuất viện. Đó cũng là động lực lớn nhất cho chúng tôi, những nhân viên y tế trong đại dịch nghiệt ngã này.

Bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E: Chúng tôi luôn đầy nhiệt huyết

Làm việc 14 năm trong ngành Hồi sức, thường xuyên điều trị cho các bệnh nhân nặng, suy hô hấp, thở máy, lọc máu nhưng thú thật, gần 3 tháng làm việc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vừa qua là lần đầu tiên tôi chiến đấu với Covid-19.

Tâm lý ban đầu khi nhận nhiệm vụ của tôi là hoang mang, bởi mình chưa điều trị cho người bệnh Covid-19 bao giờ, tất cả những gì biết về căn bệnh này là qua tài liệu, qua những kinh nghiệm điều trị từ phương Tây và kinh nghiệm điều trị của các bạn đồng nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, khi tôi nhận nhiệm vụ thì cũng là lúc thân phụ của tôi qua đời cách đó vài ngày, mình lên đường thì mọi việc còn lại đành phải gánh trên vai của vợ, trong khi các con còn quá nhỏ. Nhưng đó là nhiệm vụ, và là trách nhiệm của người thầy thuốc, lúc đó tôi nghĩ, không phải chỉ một mình tôi có những lo toan bộn bề mà có lẽ ai trong số chúng tôi - những bác sĩ nhận nhiệm vụ đi vào tâm dịch cũng đều như vậy. May mắn hơn nữa là vợ và gia đình rất ủng hộ công việc của tôi.

Tôi nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết tại đây là những người bệnh phải lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo – PV) và 100% bệnh nhân thở máy, đó là những bệnh nhân rất rất nặng. Nhưng với thâm niên lâu năm trong ngành Hồi sức, tôi nhanh chóng thích nghi với công việc và tự hào khi tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tại đơn vị chúng tôi ở mức thấp nhất trong số các Bệnh viện Hồi sức khác. Đó là niềm vui và động lực rất lớn cho chúng tôi để tích cực hơn trong công việc.

Tôi nhớ mãi về một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, đây là bệnh nhân rất nặng, gần 20 ngày điều trị thở máy và lọc máu, khi người bệnh được điều trị thành công và sức khỏe ổn định thì việc đầu tiên bà làm là lấy điện thoại và gọi điện cho con gái: “Con ơi, mẹ sống rồi”. Chứng kiến hình ảnh đó, tôi vô cùng xúc động, tôi cảm thấy điều gì đó rất thiêng liêng và tự hào vì trong câu nói đó có sự góp sức của chúng tôi, vì chúng tôi đã mang lại niềm hạnh phúc không chỉ cho người phụ nữ đó mà còn là niềm hạnh phúc cho cả một gia đình. Đó là một dấu ấn rất lớn trong cuộc đời của tôi.

Khi tâm sự những lời này, cũng là lúc tôi đang sửa soạn đồ đạc để ngày mai bay vào Tây Ninh, lại tiếp tục một cuộc chiến mới, tại một tâm dịch mới. Sáng mai đoàn Bệnh viện E chúng tôi gồm 30 y bác sĩ sẽ lên đường, và cũng như lần chống dịch trước, cũng chưa hẹn ngày về. Nhưng tâm lý lần này của tôi khác lần trước rất nhiều, mặc dù Tây Ninh đang là nơi có số bệnh nhân tử vong cao nhất cả nước. Bởi lần này mình đã có kinh nghiệm, mình đã hiểu rõ hơn về con virus này và tôi biết rằng, mình sẽ giúp ích được rất nhiều cho đồng nghiệp và bà con trong đó. Anh em chúng tôi đang vô cùng nhiệt huyết.

Với kinh nghiệm điều trị thực tế, tôi nhận ra rằng, hầu hết những ca bệnh tử vong là người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, những người bệnh đã tiêm vaccine rồi thường nhẹ và không triệu chứng, kể cả trong trường hợp chuyển nặng thì cũng rất nhanh vượt qua được và sớm trở lại với cuộc sống bình thường. Mong sao người dân sớm tiêm vaccine đầy đủ, cùng với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để chúng ta cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh và chúng tôi sớm được trở về với gia đình.

Giây phút xúc động chia tay đồng đội lên đường vào tâm dịch làm nhiệm vụ. Ảnh: N.Thắng.

Đại úy Nguyễn Trọng Đức – Chủ nhiệm Quân y Nhà máy Z175, Cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng: Tình cảm của người dân là động lực để chúng tôi yên tâm công tác

72 ngày tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh là những tháng ngày mà tôi không thể nào quên.

Ngay đêm đầu tiên khi vào tới nơi, chúng tôi lập tức lao vào công việc - chúng tôi nhận được 3 cuộc gọi cấp cứu của bệnh nhân và sáng hôm sau tiếp tục thêm 2 bệnh nhân khác suy hô hấp cần cấp cứu. Và rồi những ngày sau đó là những ngày khẩn trương làm việc xuyên đêm với mồ hôi đầm đìa trong bộ quần áo bảo hộ.

Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 20 cuộc gọi qua đường dây nóng. Trong đó, có từ 60 - 70% trường hợp cần can thiệp y tế, số còn lại chúng tôi hướng dẫn cách tự chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 đang tự điều trị tại nhà và động viên tinh thần để họ an tâm, vững tin; bởi lẽ sự bình tĩnh và tinh thần lạc quan là yếu tố then chốt giúp người bệnh vượt qua dịch bệnh.

Chúng tôi luôn xác định phấn đấu tận tâm, tận lực hết mình cứu giúp bệnh nhân, anh em luôn lạc quan, động viên nhau vượt qua khó khăn với mong muốn sớm giành chiến thắng trong trận chiến này.

Bây giờ khi đã được trở về với gia đình, tôi vẫn luôn nhớ về tình cảm, sự hỗ trợ của nhân dân và chính quyền trong TP Hồ Chí Minh. Rất nhiều lần, người dân xung quanh trạm y tế lưu động tại phường 2, quận 5 - nơi chúng tôi công tác nấu ăn và mang đến cho anh em. Người dân trong đó vô cùng hợp tác với công việc của chúng tôi. Thậm chí ngay ngày hôm qua, vẫn có người dân trong đó gọi điện cho tôi để hỏi thăm sức khỏe và chia sẻ, tâm sự.

Xin chúc sức khỏe người dân, chúc mọi người đón Tết bình an và hạnh phúc. Xin gửi lời chúc tới các đồng đội, các đồng nghiệp của tôi luôn đầy đủ sức khỏe để bảo vệ nhân dân. Cuộc chiến này, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng!

Trong những ngày tháng khốc liệt chống dịch, hàng chục ngàn y, bác sĩ, điều dưỡng từ Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã tình nguyện tới TP Hồ Chí Minh. Họ đi vào tâm dịch đối mặt với bệnh tật, hiểm nguy mà không phân vân do dự. Trong số đó, có những người mẹ trẻ phải để con nhỏ lại cho người thân. Có những điều dưỡng lui lại ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lo cho sức khỏe của đồng bào mình…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức người thầy thuốc trong tâm dịch