Quốc lộ vắt qua nhiều làng, vắt qua nhiều cánh đồng nhưng mỗi khúc làng mình mới thành phố, phố làng mình xưa khác lắm so với giờ, hàng quán không nhiều thế này - ngày còn nhỏ, mỗi khi kể về phố làng mình, bà tôi thường bắt đầu bằng câu như thế.
Tôi chỉ biết nghe, nghe đi nghe lại chuyện làng mình, phố mình cùng vài chuyện cổ tích, dù đã thuộc làu nhưng tôi vẫn nhắc và bà tôi vẫn kể:
Xưa phố vắng ngắt vắng ngơ, những cây bàng, cây xà cừ còn chưa lớn và xanh om thế này. Phố gì mà chỉ có vài quán nước, bán nước trà xanh bằng bát, kẹo bột 5 xu, chục bánh rán mật đựng trong cái lọ gia công thổi tinh những bọt và vài cái bánh nếp người làng bên đổ buôn. Mà xưa cũng chưa có điện, thắp đèn dầu tùm hụp thôi.
Quán thì lợp rơm rạ, giấy dầu, ban ngày có tí khách vãng lai, ban đêm họa hoằn mới có cái xe ô tô tải từ mạn ngược chạy rùng rùng. Đêm yên ắng đến nỗi nhà mình mãi tận trong ngõ cũng nghe được. Những cây bàng mùa xuân nhiều sâu róm lắm, bảo chặt đi để trồng cây khác, nhưng chả ai dám chặt vì nghe bảo có người chết đường đưa về đây để cho người làng viếng rồi mới đưa đi chôn ở khu Cầu Nẩy. Tôi nghe đến đây thường sợ run và chẳng bao giờ dám ra nhặt quả bàng ở cây chỗ bãi rộng nhất ấy nữa.
Phố chỉ đông lên khi sau này xây cửa hàng bách hóa vải sợi, cửa hàng lương thực huyện thôi. À, mà cuối phố người ta xây kho cuốn trước. Khu kho cuốn để nhập thóc thuế của dân các xã mạn này, còn mạn dưới người ta nộp kho dưới huyện. Kho cuốn xây kiên cố lắm, móng đào sâu, lại còn có hộc cao, để mặt sàn không tiếp đất, chống ẩm cho thóc. Mái kho lợp ngói móc nhưng lại đóng cả trần cót ép. Năm nào được mùa, kho rặt thóc là thóc. Năm nào mất mùa đài đội gọi giục oang oang kho cũng chỉ được lưng lửng.
Bách hóa xây trước, cái nhà to và dài nhất vùng, trang trí đẹp đẹp là. Tường vàng, cánh cửa chớp màu xanh, cửa nào cũng rộng và chắc chắn lắm. Trong đấy rặt hàng quý hiếm, cửa giả mà không chắc chắn thì có mà trộm vào khoắng hết à? Mà cửa hàng bách hóa vải sợi có tranh trong đó nhiều lắm, quầy bán vải thì có tranh vẽ cô mậu dịch viên đo vải hoa, vải chéo. Quầy phụ tùng xe đạp thì có tranh vẽ anh công nhân mặc quần yếm, đội mũ công nhân. Vẽ cả bọn học sinh chúng bay nữa chứ, tay cầm sách bút...
Cửa hàng lương thực thì xây sau, bé hơn. Có “hộp giật” chảy ra gạo để bán cho cánh thoát ly, ăn gạo sổ, cầy đường giựa như nhà bay.
- “Cầy đường giựa” là gì hả bà? - Tôi hỏi.
- Là không phải cầy cấy ở ruộng của hợp tác mà đi thoát ly làm ở bách hóa như mẹ mày, làm ở lương thực như bố mày ý.
Tôi chưa kịp hỏi cái hộp giật nó thế nào thì cơn buồn ngủ ập đến, ngủ tít luôn, cũng chẳng quan trọng gì mà cố nhớ vì ngày nào tôi chẳng chạy ra phố vài lần, vì tôi chạy sang “cửa hàng mẹ tôi”. Chúng tôi vẫn nói thế vì mẹ tôi là nhân viên của cửa hàng bách hóa huyện, nhà tôi ăn gạo sổ và là dân “cày đường nhựa’’ như bà tôi vẫn nói.
Những mùa hè xa xưa ấy, điện đóm còn phập phù, đêm mùa hè vào buồng ngủ nóng lắm, bà tôi hay trải cái chiếu ra hiên nhà mà bà cứ nói “rải cái chiếu ra đầu hè” hóng mát, bà lại tay quạt, tay gãi lưng rôm cho tôi và kể:
- ... Quốc lộ mỗi khúc chạy qua làng mình mới thành phố. Phố năm ấy lèo tèo. Mãi tận gần khu Ba Hàng Mai mới có quán hàng. Nhà ông bà Năm, Thơm đi chiến dịch Điện Biên về được phân khu đất giữa cánh đồng. Máy kéo hỏng vây xung quanh. Ba Hàng Mai thua xa phố mình. Vì phố mình còn có cả hiệu thuốc, bưu điện, chợ làng mình to, mấy làng đổ về bán ngày phiên, tháng 8 phiên ngày 1, ngày 6 nhưng ngày nào cũng họp. Sáng đi chợ, chiều đi phố, thức ăn thức uống chả thiếu bao giờ...
Bà tôi cứ kể nhẩn nha thế, tôi nghe rồi thuộc, rồi nhớ. Đôi khi bà kể lại vài chuyện cổ tích như Tấm Cám, Cây Khế, hay Sọ Dừa... tôi cũng chỉ thích bằng mấy chuyện phố làng tôi. Vì bà kể hôm trước, hôm sau tôi chạy ra đó chơi ngay. Tôi ngước lên nhìn cây đa đầu ngõ, xem con rùa đá, rồi ngó xem bụi cây chỗ ao chùa có quả vú bò nào không để bứt ăn.
Mấy năm sau, vào một ngày đầu đông bà tôi về trời trong tấm áo dài nâu. Tôi buồn thiu, chẳng còn ai kể chuyện phố làng cho tôi nữa, tôi đi học và tự khám phá nó mỗi ngày.
Cửa hàng bách hóa vải sợi nơi mẹ tôi làm việc những năm bao cấp thật oách. Nó sừng sững án ngữ phố, trong cửa hàng các quầy khi thì đầy ắp hàng, lúc lại trống trơn. Khi thì nhộn nhịp người đứng xếp hàng chờ mua lúc lại vắng teo. Những cái tủ quầy bằng gỗ đóng chắc chắn phần dưới chứa hàng, phần trên là kính dày dặn, toàn hàng nhà máy, có đề giá hẳn hoi trên những tờ giấy vuông.
Ai mua được hàng thường rất vui, cầm được món đồ như cái xoong, cái chậu, hay cái bếp dầu ra khỏi quầy là khiến người khác phải nhìn theo. Vào những dịp đầu năm học, giấy vở, bìa sách, nhãn vở thường khan hiếm vô cùng. Nhiều người phải đứng vật nài cô bán hàng để mua thêm chục tập giấy đen về cho con đủ vở viết. Cô bán hàng mặt lạnh lùng thế mà cũng phải xiêu lòng. Lại có những người chờ mãi mới đến lượt mua cái xích xe đạp thì đi 5 lần 7 lượt đều bị hết hàng, họ cáu bẳn, làm loạn cả khu sân bách hóa.
Cửa hàng lương thực thì đất hẹp hơn, mọi người từ vài xã đổ về thường chỉ vào dịp đầu tháng, cô bán hàng chỉ bận tầm 10 ngày. Cái hộp giật mải miết chảy gạo ra, cô nhìn cân còn người mua phải sẵn bao tải mà hứng, mà buộc. Ai không nhanh tay thì chẳng đợi cô mắng, những người đằng sau mắng cho phải nhanh mới thôi. Ai mà mua được gạo máy dối là còn tươm, chứ mua phải gạo mốc, gạo nanh chuột thì khổ. Nấu lên cơm hôi mù, gạo mốc thì vo xong đã vợi rá gạo, chỉ béo lợn được nấu cám bằng nước gạo đặc...
Những cây xà cừ phố tôi qua tháng năm đã thành cổ thụ. Mấy bà bán rau ở phố mỗi chiều cũng đã già lụ khụ, nhai trầu bỏm bẻm. Hiệu thuốc có cô bán hàng ở luôn trong căn phòng nhỏ nơi đầu hồi, mẹ con nấu cơm bằng cái bếp dầu ở hè, con bé đó học sau tôi một lớp, hay mặc quần hoa giống tôi đi học. Có người lớn nhìn thấy nói câu này làm tôi nhớ mãi:
- Con nhà thoát ly mới diện thế này, con nhà nông dân lấy đâu ra.
Chúng tôi còn bé chưa mấy hiểu. Chỉ biết mẹ tôi mỗi lần lên hiệu thuốc mua các loại thuốc thông thường và phi la tốp thì vẫn đứng nói chuyện với cô bán thuốc rõ lâu.
Bưu điện huyện là một căn nhà cũ kỹ, cô làm ở đây biến nửa bên trong bưu điện thành nhà riêng, cả nhà sống sum vầy, chăn nuôi tạo thu nhập luôn trong khoảng sân của nhà bưu điện. Nhiều khi cô này đi vắng, các con cô thay mặt mẹ làm công tác giao nhận bưu phẩm luôn.
Dưới gốc cây bàng hiệu sửa xe đạp của ông Tụng vẫn đẩy ra cái thùng gỗ đóng một nửa trên là lưới mắt cáo đựng mấy cái cờ lê, mỏ lết, thùng dưới đựng cái khay ốc và mấy miếng xăm cũ dùng làm mụn vá. Sau này anh Bẩy trong ngõ Lẻ cũng kiếm cái thùng ngồi ké vào hiên cửa hàng lương thực làm nghề này tranh khách.
Chợ chiều họp ngay sân bách hóa, rau cỏ, hoa trái phần từ chợ làng dọn về sau buổi chợ sáng, phần người làng hái bán buổi chiều tươi roi rói. Cánh làng dưới làm nghề đánh giậm cũng tầm 3 giờ chiều là về phố bán tất cả những gì bắt được ở đồng xa đồng gần. Chợ chiều đông vui, nên người phố tôi vẫn nói “Chỉ thiếu hàng tiền còn hàng gì cũng có” là thế.
Phố cứ rôm rả thế cho đến khi phía cuối phố khu kho cuốn đã im ắng hơn, vì thóc thuế đã có thể thu bằng tiền. Dãy kho cuốn im lìm, cỏ mọc đầy sân. Khu bách hóa cũng không còn độc tôn, hàng chợ đã nhiều, tem phiếu cũng không còn người dùng. Tôi không nhớ chính xác từ tháng nào nhà tôi bỏ sổ gạo, đong những yến gạo trắng ngần từ chợ làng về là đổ vào thùng luôn.
Phố làng tôi đã khác, khác rất nhanh, từ những biển hiệu khung nhôm kính, chữ in màu cho đến những cái đèn điện chiếu sáng. Ai cũng nói mở cửa, cơ chế thị trường, người phố tôi cũng nói và rất nhanh nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, từ hàng điện máy, đến thời trang, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm... lần lượt mọc lên kín phố.
Tôi đi học đại học về mà thấy phố khác từng ngày. Cây bàng đã chặt từ lâu. Cây đa chết vào mùa đông năm đại hàn. Rồi dấu vết thời bao cấp qua đi bởi người trong huyện, trong xã đã xóa sổ bách hóa và lương thực bằng những ngôi nhà mặt phố to, đẹp...