Năm 2022 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lạm phát cao, nhiều khả năng suy thoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraina và nhiều thảm họa thiên tai thì kinh tế Việt Nam được xem là điểm sáng khi tăng trưởng cao.
Thế nhưng, Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn do những “tích tụ” của nền kinh tế thể hiện qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Chúng ta có thể kỳ vọng gì vào kinh tế năm 2023? Tinh hoa Việt đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Trí Hiếu.
Ấn tượng trên nhiều phương diện
PV: Thưa ông, cá nhân ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022?
ÔNG NGUYỄN TRÍ HIẾU: Năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. Xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD.
Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%. Tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%. Nhìn vào những con số thống kê ấn tượng trên có thể thấy đạt được trên nhiều phương diện. Nhưng bên cạnh đó nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trước mắt là doanh nghiệp thiếu vốn, các thị trường hầu như: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu đều đang “đóng băng”. Chưa kể giá cả hàng hóa đang có dấu hiệu tăng cao. Nhiều người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; và đang không có việc làm ở thời điểm cuối năm cận Tết Nguyên đán.
Nền kinh tế của chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan nhưng có ý kiến cho rằng, những động lực tăng trưởng của nền kinh tế chưa thực sự đóng góp mạnh mẽ, thưa ông?
- Tăng trưởng phải gắn liền với năng lực. Nếu nói chúng ta đã phát triển đầy đủ với các năng lực, tiềm năng lợi thế hay chưa? thì tôi nghĩ là chưa. Ví dụ, về năng lực lao động nếu chia GDP đầu người trên số người lao động thì của ta rất thấp so với thế giới. Rồi trình độ lao động cũng thấp so với thế giới. Đây là những nguyên nhân tại sao chúng ta chưa phát triển được hoàn toàn so với khả năng phát triển trong khi con người Việt Nam thông minh, linh hoạt, chịu đựng thì đáng lẽ có thể “nhảy” xa hơn.
Hiện ước tính GDP bình quân đầu người năm 2022 ở Việt Nam chỉ có gần 4.000 USD, là mức thấp so với thế giới. GDP đã đạt trên 400 tỷ USD nhưng chia cho bình quân đầu người thì thấp chứng tỏ chúng ta chưa vận dụng được thực sự những tiềm năng của người lao động.
Hay như trong vấn đề kinh tế số, chúng ta nói nhiều đến kinh tế số, doanh nghiệp là tiên phong, nhưng nhìn vào lực lượng doanh nghiệp có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự sử dụng kinh tế số trong tất cả các khâu từ quản lý cho đến lao động, bán hàng, sản xuất, logistic? Chỉ có những doanh nghiệp lớn là áp dụng, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn theo cách điều hành truyền thống là giấy tờ. Nói những ví dụ trên để thấy nền kinh tế vẫn chưa chuyển đổi mạnh mẽ, đổi mới các mô hình tăng trưởng.
Năm 2023 vẫn bị tác động bởi lạm phát
Ông dự báo như thế nào về kinh tế thế giới trong năm 2023?
Năm 2023, tôi hy vọng sẽ là năm củng cố lại lực lượng. Từ tất cả các khó khăn của nền kinh tế thì năm 2023 tập trung vào “chỉnh sửa” để tạo ra nền móng bền vững cho sự phát triển trong thời gian tới, từ đó mới “nhảy” xa và nhanh được. Hy vọng năm 2023 sẽ khá hơn và hiện đã cho thấy có dấu hiệu cho thấy sự khá hơn từ việc điều chỉnh các chính sách ngay cuối năm.
- Kinh tế thế giới năm 2023 có thể sẽ tốt hơn một chút so với năm 2022 nhưng vẫn bị tác động bởi lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt của các Chính phủ khi cuộc xung đột Nga - Ukraina còn tiếp diễn.
Tại Mỹ, có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ han lãi suất nhưng han ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2022. Nếu họ kiểm soát được lạm phát thì giữa năm 2023 sẽ ngừng việc han lãi suất. Khi ngưng hạn lãi suất sẽ làm giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ việc đi vay của các cá nhân, doanh nghiệp. Từ đó, hỗ trợ cho phát triển kinh tế ở Mỹ. Tương tự như vậy là ở các nước châu Âu. Còn ở Trung Quốc cũng đang có chính sách từng bước mở cửa nền kinh tế. Do vậy theo tôi, kinh tế thế giới năm 2023 có thể khá hơn năm 2022.
Vậy trong năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì từ kinh tế thế giới?
- Ngay trong thời điểm cuối năm tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mở room tín dụng cho 24 ngân hàng, nâng trần tín dụng lên 1,5-2%. Đó là các động thái rất tốt. Cho nên năm 2023 sẽ rút kinh nghiệm được từ giai đoạn trước, và hứa hẹn có “uyển chuyển” hơn trong chính sách tiền tệ trong năm 2023. Tôi tin rằng, Chính phủ sẽ thay đổi mạnh mẽ từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách tài khoá để phù hợp với nhu cầu và môi trường kinh doanh của năm 2023. Do đó cá nhân tôi hy vọng tương lai năm 2023 sẽ tốt hơn.
Còn về phần khó khăn, thứ nhất nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động rất mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việc Fed tăng lãi suất tác động trực tiếp đến thị trường Việt Nam, tác động đến tỷ giá. Do đó Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất để quân bình với lãi suất của Mỹ để giảm áp lực tăng tỷ giá.
Trong nước, thị trường chứng khoán biểu hiện không có sự bền vững. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau các vụ “đại án” vừa rồi làm cho người dân, nhà đầu tư mất lòng tin. Trước vấn đề thiếu vốn của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng chỉ tiêu tín dụng lên là biểu hiện cho thấy nền kinh tế cũng đang gặp những khó khăn.
Rút ra bài học “xương máu”
Là quốc gia có độ mở kinh tế rất lớn. Vậy Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào trước tình hình thế giới trong năm 2023? Và làm sao để giảm cú sốc đó?
- Chúng ta không thể tránh được sự tác động của nền kinh tế thế giới khi nền kinh tế chúng ta có độ mở lớn. Độ mở lớn là điều tuyệt vời, cả hai chiều xuất nhập khẩu đã gấp 2 GDP. Cho nên đó là điều mừng. Nhưng rủi ro sau đó là sự lệ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Thế giới “ho” thì Việt Nam cũng bị “xổ mũi” theo. Cho nên chúng ta phải nhìn nhận các “biến cố” trong nền kinh tế nội địa của chúng ta năm 2022. Từ chính sách tài khóa cho đến chính sách tiền tệ, thị trường để từ đó đưa ra các giải pháp để giảm các cú sốc trước sự tác động mạnh của nền kinh tế thế giới.
Cá nhân ông kỳ vọng gì về nền kinh tế Việt Nam năm 2023, đã đến giai đoạn bứt phá khi bước sang năm thứ 3 của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025?
- Tôi và mọi người dân Việt Nam đều muốn đất nước phát triển, ổn định, bền vững. Trong năm 2023 nền kinh tế Việt Nam có vẻ tươi sáng hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh các con số tích cực của năm 2022 như đã đề cập ở trên thì trong năm 2022 có nhiều vụ án kinh tế đang trong điều tra nên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, và thị trường bất động sản “đóng băng”. Đó là hiện tượng tiêu cực của nền kinh tế.
Do đó trong năm 2023 tôi tin rằng tất cả các thành phần kinh tế, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các nhà đầu tư và người dân đều học hỏi và rút ra được những bài học kinh nghiệm “xương máu” từ năm 2022, đặc biệt là các nhà đầu tư, và cá nhân. Khi rút ra được kinh nghiệm, người dân và doanh nghiệp sẽ cẩn thận, chín chắn hơn trong đầu tư. Bên cạnh đó từ các “sự cố” xảy ra trong năm 2022 thì các cơ quan sẽ làm việc một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Qua đó Chính phủ cũng cần có chính sách thích hợp hơn từ: chính sách công, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ trong năm 2023. Do đó tôi kỳ vọng năm 2023 đất nước sẽ có sự phát triển tốt hơn khi đã rút ra được bài học từ năm 2022.
Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực
Ông kỳ vọng rất lớn vào kinh tế Việt Nam năm 2023, vậy theo ông cần lưu tâm đến vấn đề gì để đạt được như kỳ vọng?
- Theo tôi có 2 giải pháp. Thứ nhất là giải pháp để phát triển; thứ hai là giải pháp để chặn đứng ngay các thiệt hại đang xảy ra để “đám cháy” không bùng phát ra. Và cá nhân tôi quan tâm tới những chính sách để “dẹp” các “đám cháy nhỏ” đừng lan ra thành khủng hoảng lớn, trong đó có thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, và thị trường bất động sản. Đó là những thị trường trong thời gian qua bị lũng đoạn, thao túng bởi một số cá nhân, doanh nghiệp, lợi ích nhóm. Đảng, Nhà nước thời gian qua đã làm quyết tâm chống tham nhũng, dẹp tất cả tiêu cực, lợi ích nhóm. Do đó công tác này cần thực sự mạnh mẽ để chữa lửa, ngăn các “đám cháy nhỏ” để đừng bùng phát thành đám cháy lớn, trở thành hiện tượng domino.
Giải pháp để phát triển là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới phát triển và đẩy mạnh kinh tế số. Hiện nền kinh tế chúng ta vẫn vận hành theo truyền thống chứ không phải số, nghĩa là dùng công nghệ thông tin để vận hành, điều hành các công cụ. Ví dụ trong lưu thông giao thông thì tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ là tự động, khi thấy lượng xe đi lại thì tự điều chỉnh thời gian. Nghĩa là giảm sự can thiệp của con người mà dùng công nghệ vào sự vận hành của nền kinh tế. Và vấn đề này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Thủ tục hành chính hiện nay vẫn còn rườm rà, phức tạp. Đây là việc đã nói nhiều năm nhưng đâu vẫn đó, ít thay đổi. Cho nên thay đổi các thủ tục hành chính là điều vô cùng cần thiết. Thứ ba cần “diệt trừ” tham nhũng. Nếu không có người “đồng hành” từ bộ máy công quyền thì Tân Hoàng Minh, hay Vạn Thịnh Phát không thể làm được như vậy. Tham nhũng đi đôi với việc tạo ra sự rủi ro, nguy hiểm cho nền kinh tế. Cho nên chống tham nhũng cần tiếp tục và triệt để phải xử lý dứt điểm. Tôi kỳ vọng trong năm 2023, Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải hành động một cách quyết liệt hơn trong chống tham nhũng, tiêu cực để tạo sự ổn định bền vững cho nền kinh tế. Chống tham nhũng, tiêu cực cùng với sự uyển chuyển trong ban hành, điều hành các chính sách kinh tế phù hợp sẽ tạo nên môi trường phát triển thuận lợi.
Đồng thời, cần quan tâm tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Bởi năm 2023 nền kinh tế đã thiếu vốn, còn giải ngân không đạt kế hoạch Thủ tướng đề ra, các thủ tục giải ngân quá rườm rà. Thực tế ngân sách bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thị trường bất động sản “đóng ang” thì Nhà nước chịu thiệt hại đầu tiên, đó là thuế.
Sự thành công của đối ngoại trong năm 2022 sẽ là tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2023, thưa ông?
- Đúng vậy! Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất năng nổ, tiếp xúc với các quốc gia để mở rộng quan hệ ngoại giao, tìm kiếm các thị trường mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ngay như chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã mở ra nhiều cánh cửa, ký được nhiều hợp đồng kinh tế.
Do đó, điều cần quan tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm do đây là những thị trường có tiêu chí cao về an toàn sản phẩm. Các nhà sản xuất trong nước cần quan tâm tới chất lượng cũng như các tiêu chuẩn, quy định trong các hiệp định thương mại đã được ký kết với các nước. Đối ngoại đã rộng cửa, nhưng cuối cùng vẫn là nội tại đó là sản xuất ở trong nước phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu để sản phẩm theo đúng quy định đã cam kết với nước ngoài. Do đó nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường dựa vào chất lượng sản phẩm.
Như tôi nói ở trên, năm 2021 kinh tế chúng ta bị Covid-19 đánh “tơi tả”. Năm 2022 đang trên đà phục hồi nhưng cũng đã phát sinh những vấn đề nội tại của nền kinh tế làm cho các thị trường rung chuyển. Năm 2023 tôi hy vọng sẽ là năm củng cố lại lực lượng. Từ tất cả các khó khăn của nền kinh tế thì năm 2023 tập trung vào “chỉnh sửa” để tạo ra nền móng bền vững cho sự phát triển trong thời gian tới, từ đó mới “nhảy” xa và nhanh được.
Hy vọng năm 2023 sẽ khá hơn và hiện đã có dấu hiệu cho thấy sự khá hơn từ việc điều chỉnh các chính sách ngay trong cuối năm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh chính sách trong 2 tháng cuối năm: Chính sách về tỷ giá, chính sách về lãi suất và tín dụng. Các tuyên bố của Chính phủ cho thấy rằng Chính phủ càng quyết tâm và có những sáng kiến, thu thập nhiều kinh nghiệm là bài học quý giá, nền tảng để chúng ta xây dựng tương lai bền vững và ổn định hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Điều cần quan tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm do đây là những thị trường có tiêu chí cao về an toàn sản phẩm. Các nhà sản xuất trong nước cần quan tâm tới chất lượng cũng như các tiêu chuẩn, quy định trong các hiệp định thương mại đã được ký kết với các nước. Đối ngoại đã rộng cửa, nhưng cuối cùng vẫn là nội tại đó là sản xuất ở trong nước phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu để sản phẩm theo đúng quy định đã cam kết với nước ngoài. Do đó nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường dựa vào chất lượng sản phẩm.