Kỳ vọng đổi mới giáo dục

Minh Quang 18/06/2019 08:00

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) là thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều kỳ vọng về việc đổi mới giáo dục toàn diện đang được mở ra, bắt đầu từ việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và SGK tới đây.

Cùng với đó việc hỗ trợ/miễn học phí bậc tiểu học; miễn học phí theo lộ trình ở bậc THCS – là một tin vui lớn đối với đông đảo phụ huynh trên cả nước, đặc biệt với những với hộ nghèo, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn…

Kỳ vọng đổi mới giáo dục

Quyết định miễn học phí cho học sinh THCS là một quyết định mang tính nhân văn.

Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo Điều 32 của Luật này, mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách, việc xuất bản sách thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng GDĐT. Về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK giáo dục phổ thông, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật đã quy định cụ thể về thành phần hội đồng, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng GDĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK và chịu trách nhiệm về SGK là phù hợp. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo, chứ không quy định giao cho Chính phủ hay Thủ tướng quy định như đề nghị.

Về vấn đề miễn học phí, Luật mới thông qua cũng quy định: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; còn ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định; trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí; trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Theo quan điểm của Bộ GDĐT, miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em bậc THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Tại các kỳ họp Quốc hội trước đó, ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đã kiến nghị mở rộng đối tượng miễn học phí cho học sinh THCS và trẻ mầm non 5 tuổi. Nhưng vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về tính khả thi vì liên quan tới ngân sách của Nhà nước, phải chi trên 2.000 tỶ đồng nếu miễn, giảm học phí cho đối tượng này. Vừa qua, câu chuyện TP Hồ Chí Minh quyết định miễn học phí cho học sinh THCS là một quyết định mang đầy tính nhân văn.

Thực tế cho thấy, thực hiện miễn giảm học phí theo lộ trình cũng là một nỗ lực lớn trong quá trình đầu tư cho giáo dục, nhằm hướng tới tạo điều kiện cho mọi học sinh có cơ hội được học hết bậc THCS.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua với tỉ lệ tán thành khá cao ( 85,54 %) vì đã được thảo luận rất kỹ trong nhiều kỳ họp và sự tiếp thu, giải trình cũng rất chu đáo. So với lần đầu, Luật đã được điều chỉnh và sửa đổi trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ nhân dân, nhà giáo, các chuyên gia giáo dục…Những điểm mới của Luật (như giáo viên mầm non phải có bằng CĐ sư phạm; quy định về cơ sở giáo dục; giáo dục nghề nghiệp; hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục; liên thông giáo dục…) sẽ góp phần khắc phục được hạn chế lâu nay của giáo dục Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội trước yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, Luật mới sẽ từng bước thúc đẩy giáo dục chuyển động, góp phần quan trọng thay đổi nền giáo dục nói chung, trong đó một trong những nội dung quan trọng là thay đổi về công tác quản lý của ngành.

Mong mỏi lớn nhất của người dân lúc này là sau khi khi Quốc hội đã nhấn nút thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ và Bộ GDĐT cần triển khai ngay để sớm có các văn bản hướng dẫn thi hành tránh tình trạng Luật được thông qua rồi mà văn bản dưới luật lại ban hành quá chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng đổi mới giáo dục