Trong niềm vui xuân mới, nhân dân khắp mọi miền đất nước sớm bắt tay vào lao động, sản xuất đầu năm. Trong nhịp điệu đó luôn có sự song hành của Mặt trận cùng chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho người nghèo tỉnh Bắc Giang.
Những chiếc máy trên những cánh đồng tôm ở Sóc Trăng đã vận hành hết công suất. Những vườn thanh long đã rộn ràng không khí vui tươi. Tin vui với những người trồng thanh long là ngay những ngày đầu năm mới 1.500 tấn thanh long đã được xuất khẩu. Bà con nông dân hết sức phấn khởi. Năm 2017, toàn tỉnh đã giảm được 3,3% hộ nghèo, một con số hết sức đáng ghi nhận.
Với mục tiêu, không để gia đình nào không có Tết, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị Tết cho người nghèo ở những địa bàn khó khăn nhất cả nước. Trong hành trình đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đến chia vui, động viên với bà con Sóc Trăng nhân dịp xuân Mậu Tuất.
Trong cuộc gặp gỡ ấm tình đoàn kết, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã chia sẻ về nỗ lực của Mặt trận trong chăm lo đời sống cho người nghèo: “Năm nay, MTTQ Việt Nam đã xuất 40 tỷ đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết tại 16 tỉnh, thành trong toàn quốc còn khó khăn về nhà ở sau những đợt thiên tai vừa qua, đảm bảo các hộ có mái ấm để đón Xuân”.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quan tâm chăm lo đến gia đình chính sách, hộ nghèo để mọi nhà, mọi người đều có Tết; đồng thời đề nghị Sóc Trăng tiếp tục quan tâm hơn nữa trong giảm nghèo, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao trình độ dân trí và phát triển du lịch… Dưới sự chủ trì, điều phối của các cấp Mặt trận, hàng chục nghìn suất quà đã được trao cho hộ nghèo. Sóc Trăng còn đó những khó khăn, nhưng cũng có những lợi thế, nằm ở hạ nguồn, nơi con sông Hậu đổ ra biển cả, đồng bào các dân tộc tỉnh Sóc Trăng luôn đoàn kết một lòng yêu nước. Năm mới, mọi người sớm bắt tay vào công việc để cùng xây lên khởi đầu mới, như lời Chủ tịch Trần Thanh Mẫn “làm sao để trả được sổ hộ nghèo”.
Nếu như phía Nam vẫn trong những ngày nắng ấm thì ở địa đầu phía Bắc tổ quốc, những tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai… vừa trải qua những những ngày rét đậm, rét hại. Vui xuân mới nhưng vẫn không quên cải tạo đồng ruộng, chăm bón cho cây trồng, cho sự phục hồi của đàn gia súc sau những ngày giá rét, bà con nông dân vùng cao Lào Cai sớm ra đồng chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Chị Hoàng Thị Giang ở xã Bản Qua (huyện Bát Xát) tháo ni-lông phủ mạ, để cho cây mạ tiếp xúc với thời tiết xuân, mưa phùn ẩm. Chị bảo thời tiết này cây mạ sẽ nhanh phát triển, cứng thân. Trên cánh đồng, nhiều gia đình khác cũng đang rộn rịp công việc. Không khí sản xuất cũng náo nức trên cánh đồng, trên nương của các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Văn Bàn… Trong đợt rét kéo dài vừa qua, Lào Cai là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại.
Chia sẻ với bà con, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã về thăm, chúc Tết, tặng quà những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Tả Van (huyện Sa Pa, Lào Cai). Những món quà ấm áp nghĩa tình khiến bà con phấn khởi hơn khi đón Tết. Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký, Hầu A Lềnh là người có 15 năm kinh nghiệm công tác ở Sa Pa. Tình cảm với những người dân nơi đây hết sức gắn bó.
Ngoài việc nhắc nhở địa phương chú ý phát triển kinh tế, thoát nghèo, ông Hầu A Lềnh còn nhấn mạnh: “Tả Van là bản làm du lịch. Mỗi người dân Tả Van cần cho khách du lịch thấy rằng dù điều kiện còn khó khăn, nhưng người dân đón khách bằng cả tấm lòng chân tình, luôn chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho khách du lịch”.
Chính sự quan tâm của các cấp lãnh đạo khiến bà con thấy yên tâm, thấy có thêm động lực để vươn lên, thoát nghèo, làm giàu cho mình và xã hội. Với tinh thần ấy, cũng như nhiều địa phương khác trong những ngày đầu xuân, không khí lao động, sản xuất đầu năm ở Tả Van cũng hết sức sôi nổi.
Các đoàn công tác của Mặt trận do các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn như Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng cũng đã đi đến các địa bàn khó khăn của tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Trị… để gửi tới bà con nghèo những món quà ấm áp tình người trong những ngày giáp tết. Những hành động đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm chân thành cùng hướng về bà con còn khó khăn.
Xuân đã về trên mọi nẻo đường đất nước. Những tỉnh miền núi phía Bắc lâu nay được xem là “túi nghèo” của cả nước. Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số không hoàn toàn trùng với Tết Nguyên đán. Người dân giữ thói quen ăn cùng lúc hai cái Tết. Có những năm, Tết người Mông đến trước Tết Nguyên đán gần một tháng. Suốt tháng đó cho đến Tết Nguyên đán, chỉ ăn, uống rượu, vui chơi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất.
Một số địa phương đã chủ động vận động bà con hạn chế hủ tục rườm rà, ăn chung một Tết Nguyên đán của dân tộc. Ngày Tết người Mông chỉ làm giản dị, còn tập trung lao động sản xuất. Tết Nguyên đán, thực hiện các nghi thức, phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc Mông.
Tỉnh Yên Bái là địa phương đầu tiên vận động bà con “ăn một Tết” từ năm 2012. Những ngày đầu vận động, cán bộ chính quyền, Mặt trận vấp phải phản ứng của không ít bà con. Nhưng rồi thấm thoắt đã qua sáu năm “ăn một Tết”. Không ai thấy ăn một Tết nghèo đi. Cũng không vì thế mà kém vui hơn, nhạt phai bản sắc văn hóa đi.
Chính những cán bộ Mặt trận đã đi “mòn dép” để cùng bà con thay đổi tư duy, thay đổi quan niệm. Thế rồi, người nọ “nhìn” người kia, cùng nhau đón một Tết Nguyên đán, hòa chung niềm vui của cả dân tộc. “Tết chung” trở thành truyền thống mới. Ngày Tết, người Mông ném còn, thổi tiêu, thổi khèn, chơi đẩy gậy… tạo thành không khí sôi nổi đậm màu sắc truyền thống.
Đồng bào khắp cả nước đã có một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc, trong niềm vui đoàn kết. Từ những nền tảng vững chắc ấy, có thể kỳ vọng những thành tựu mới. Để mỗi dịp Tết đến, Xuân về, không còn là những cái Tết lo toan xóa nghèo, mà là những cái Tết để mọi người ngày càng “ăn ngon, mặc đẹp”, hòa chung không khí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của cả nước.